5 xuồng Iran vây bắt tàu dầu, chiến hạm Anh giương pháo

Tàu dầu Anh đã bị nhóm xuồng cao tốc có vũ trang của Iran bao vây và chỉ được giải nguy khi có sự can thiệp của chiến hạm Anh.

Ngày 10/7, tàu chở dầu British Heritage của Anh đã bị 5 xuồng cao tốc có trang bị vũ khí của hải quân Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bao vây tại eo biển Hormuz.

Theo Reuters, năm xuồng có vũ trang thuộc về lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã cố gắng bắt tàu dầu British Heritage khi tàu này đang di chuyển ở vịnh Ba Tư và chuẩn bị qua eo biển Hormuz.

Năm xuồng của Iran đã yêu cầu tàu dầu Anh chấm dứt đi vào các vùng biển của Iran. Đồng thời các xuồng này di chuyển xung quanh tàu dầu và tìm cách làm tàu phải thay đổi hướng đi.

Reuters thậm chí còn cho biết đã có những nỗ lực của xuồng cao tốc nhằm áp sát tàu dầu của Anh. Sự việc chỉ chấm dứt khi chiến hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh xuất hiện.

Hình ảnh các xuồng cao tốc có vũ trang của Iran

Hình ảnh các xuồng cao tốc có vũ trang của Iran

Tàu HMS Montrose đang làm nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu của nước này tại eo Hormuz và vịnh Oman. Chiến hạm Montrose đã phát đi các cảnh báo thông qua radio với các xuồng cao tốc nhưng không được đáp lại.

Chỉ đến khi tàu HMS Montrose tháo bạt phủ và chĩa khẩu pháo 30mm trên boong về phía các xuồng cao tốc của Iran, các xuồng này mới chịu rời đi, theo thông tin từ đài CNN.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã có máy bay trinh sát của Mỹ từ trên cao ghi lại toàn bộ hình ảnh sự việc này. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc phát đi cảnh báo về việc Iran đang cố gắng đe dọa đến an ninh hàng hải tại vùng biển quốc tế này.

Hiện Bộ Quốc phòng Anh chưa đưa ra bình luận chính thức nào. London chỉ xác nhận tàu HMS Montrose đang ở vùng Vịnh để thực hiện vai trò an ninh hàng hải.

Thủy quân lục chiến Anh hôm 4/7 bắt siêu tàu chở dầu MT Grace 1 của Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar với cáo buộc tàu Grace 1 chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu tại Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Iran coi vụ bắt tàu là hành động "không khác gì cướp biển" và khẳng định tàu của họ đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq. Iran đồng thời triệu đại sứ Anh để phản đối. Tehran đe dọa sẽ trả đũa bằng cách bắt tàu dầu Anh, khiến Anh triển khai chiến hạm hộ tống tàu dầu để răn đe.

Tàu chở dầu British Heritage của Anh

Trước đó trong ngày 10/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Anh “sẽ thấy hậu quả” sau vụ bắt tàu dầu MT Grace 1.

Tổng thống Rouhani lên tiếng chế nhạo việc Anh quyết định cử tàu chiến hải quân hộ tống tàu chở dầu và cho rằng chính các hành động gây hấn của London trước đó mới đe dọa tới an toàn hàng hải trong khu vực.

"Các ông giờ đây tuyệt vọng tới mức phải triển khai cả khinh hạm để tháp tùng một tàu chở dầu di chuyển trong khu vực. Điều đó là vì các ông quá sợ hãi" - Tổng thống Rouhani phát biểu hôm 10/7.

Trong một diễn biến khác, Tướng hải quân Mỹ Joseph Dunford, người cũng đang nắm giữ vị trí tướng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trong cuộc chiến Yemen cũng lên tiếng hôm 10/7 về việc Washington đang nỗ lực tỏ chức một liên minh hải quân - không quân nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực Eo biển Hormuz và Bab al-Mandab.

Hiện tại chỉ có Arab Saudi và Anh hoan nghênh ý tưởng này. Các lực lượng của NATO đang tìm cách từ chối khéo lời kêu gọi của Mỹ.

Gần nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy, một thành viên của NATO, bà Ine Eriksen Søreide cho biết Oslo đã nhận được lời đề nghị của Mỹ, nhưng họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và dựa vào những diễn biến mới của khu vực.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/5-xuong-iran-vay-bat-tau-dau-chien-ham-anh-giuong-phao-3383575/