5 trận chiến vang danh thiên hạ của đại quân sư Tôn Vũ

Khi nhắc đến những vị quân sư, võ lược toàn tài, dụng binh như Thần, chúng ta thường nghĩ ngay đến Gia Cát Lượng, vị quân sư lỗi lạc của Thục Hán, thân trong lều cỏ nhưng lại tường tận thiên hạ như trong lòng bàn tay. Nhưng ít ai biết được rằng, trước khi Gia Cát Lượng ra đời, cũng từng có một vị quân sư, một vị tướng soái thống lĩnh ba quân, đánh đâu thắng đó, khiến cho quân địch chỉ nghe đến tên ông là hồn bay phách lạc.

Tôn Vũ (545 – 470 TCN), còn được gọi là Tôn Tử, là một đại quân sư, một danh tướng đại tài của nước Ngô cuối thời Xuân Thu. Sinh ra trong thời loạn lạc, tuy xuất thân từ con nhà tướng nhưng gia phụ lại là người không muốn con mình nghiệp binh đao, luôn ra sức ngăn cản. Mặc dù luôn bị gia phụ ngăn cấm nhưng với tư chất thông minh tột độ, lại được ông nội từng là đại tướng quân của nước Tề luôn ngấm ngầm ủng hộ và truyền dạy binh pháp nên sau khi nước Tề gặp nạn, Tôn Vũ trốn nhà ghi danh làm một tốt sĩ ra trận chiến đấu, lập nên đại công. Ông còn là người quyết định sự sống còn của nước Tề, liên minh với nước Yên hay giải nguy cho nước Tấn...

Tôn Vũ (545 – 470 TCN). (Ảnh: wikipedia.org).

Sau khi thống soái ba quân, huấn luyện đại quân hùng mạnh. Vua Ngô lệnh cho Tôn Vũ cầm quân chinh phạt những mối nguy hại của mình và tiếp đó là 5 trận chiến toàn thắng khiến cho kẻ thù chỉ cần nghe danh cũng hồn bay phách lạc. Dưới đây là 5 lần trực tiếp cầm quân toàn thắng vang danh sử sách của vị quân sư này.

Trận thứ nhất: Diệt hai nước chư hầu của Sở

Tháng 12 năm 512 TCN, khi đó Ngô vương là Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ chỉ huy quân tiêu diệt hai nước chư hầu của Nước Sở là nước Chung Ly và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Vũ đã xuất sắc hạ gọn hai nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở, lập công lớn, được Ngô vương ban thưởng.

Vua Ngô muốn thừa thắng xông lên, tiến quân về kinh thành nước Sở nhưng Tôn Vũ ngăn cản, vậy là quân Ngô toàn thắng rút quân về nước. Ở đây có thể thấy bản lĩnh điềm tĩnh của Tôn Vũ, dù thắng không kiêu, điềm nhiên suy xét thiệt hơn của đại cục. Dù sao thì nước Sở tuy bại nhưng quân lực vẫn hùng mạnh, quân số đông hơn quân Ngô gấp bội.

Trận thứ 2: Chiếm hai xứ Lục, Tiềm

Lần thứ hai, vào năm 511 TCN vua Ngô với lý do mất thanh bảo kiếm, sai người điều tra thấy đang tại nước Sở nên sai Tôn Vũ trực tiếp thống lĩnh ba quân cùng Ngũ Tử Tư, Bá Hi đi chinh phạt nước Sở. Lý do là: “Sở vương từ chối không chịu trao thanh bảo kiếm Trạm Lư cho Ngô vương Hạp Lư“. Dưới quyền chỉ huy của Tôn Vũ quân Ngô đánh hai trận thắng cả hai, chiếm được hai xứ Lục và Tiềm thuộc đất Sở.

Nhiều người trong triều cho rằng dù binh pháp của Tôn Vũ có hay cỡ nào cũng chỉ là “bàn việc quân trên giấy”, chưa có kinh nghiệm thực chiến. (Ảnh: lifecumentary.com).

Trận thứ 3: Phá 16 vạn quân nước Việt

Năm 510 TCN, Lúc này giữa nước Ngô và nước Việt lần đầu tiên xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn mà sử sách còn ghi lại đó là cuộc “Đại chiến Huề – Lý”. Trong cuộc chiến này lần đầu tiên Tôn Vũ đưa ra chiến thuật “binh Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (Binh sĩ quý ở chỗ tinh nhuệ chứ không quý ở chỗ quân số đông) trong đánh trận. Chỉ với ba vạn quân với chiến thuật dụng binh tài tình của mình, Tôn Vũ đã đánh bại 16 vạn đại quân của nước Việt.

Trận thứ 4: Lần thứ ba đại phá quân Sở

Tới năm 509 TCN lại xảy ra cuộc Đại chiến Dự Chương giữa nước Ngô và nước Sở. Lúc này vua Sở sai con trai là công tử Tử Thường và công tử Tử Phàm dẫn đại quân tiến đánh nước Ngô, nhằm báo thù nỗi nhục mất Dĩnh Đô năm xưa. Thêm một lần nữa vua Ngô vương Hạp Lư lại giao cho Tôn Vũ cầm quân chống giặc.

Lần này Tôn Vũ khôn khéo dùng cách tránh chủ đánh phụ, né tránh quân chủ lực của địch của công tử Tử Thường mà đánh vu hồi tập kích doanh trại bắt sống công tử Tử Phàm. Quân Sở từ thế mạnh, chuyển sang thế yếu, quân đội cầm cự chưa đầy một tháng phải rút chạy về nước, Tôn Vũ toàn thắng trở về.

Vua Ngô lệnh cho Tôn Vũ cầm quân chinh phạt những mối nguy hại của mình và tiếp đó là 5 trận chiến toàn thắng khiến cho kẻ thù chỉ cần nghe danh cũng hồn bay phách lạc. (Ảnh: youtube.com).

Trận thứ 5: Đại phá 25 vạn quân Sở

Vào ngày 18 tháng 11 năm 506 TCN hai nước Ngô – Sở một lần nữa xảy ra chiến tranh, sử sách gọi đây là cuộc chiến Bách Cử. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử hai nước. Lần này quân Sở huy động 25 vạn quân tiến đánh nước Ngô, khí thế báo thù rất sôi sục. Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư bàn kế, vua Ngô bí mật liên kết với hai nước nhỏ là Đường và Sái tạo thành liên minh chống Sở.

Khi tác chiến, Tôn Vũ lợi dụng địa hình thuận lợi của hai nước đồng minh để triển khai chiến thuật “Khống chế chính diện”, “Tập kích vu hồi mạn sườn” của mình thêm một lần nữa. Cuối cùng 3 vạn quân Ngô đã phá tan 25 vạn quân Sở buộc Sở vương phải tháo chạy. Tôn vũ đại thắng.

Có thể thấy, trong những lần trực tiếp cầm binh của Tôn Vũ, ông đều bách chiến bách thắng, dụng binh như Thần, người đời nể phục. Chỉ tiếc rằng Tôn Vũ một đời trung thần vì chúa nhưng lại không gặp được minh quân sáng xuất. Sớm biết được hậu quả của việc vua háo sắc ưa nịnh, đất nước ắt sẽ tàn vong nên sớm đã xin cáo lão hồi hương, quy ẩn núi sâu rừng thẳm.

Tương truyền hậu duệ của ông là Tôn Tẫn, là vị quân sư lỗi lạc của nước Tề, có bạn đồng môn là Bàng Quyên, vì muốn chiếm lĩnh bộ “Binh Pháp Tôn Tử” của ông mà đem lòng hãm hại Tôn Tẫn. Kết quả bị Tôn Tẫn dùng binh vây đánh, vạn tiễn xuyên tim. Những kế sách, mưu lược của Tôn Tử về sau thường xuyên được các nhà quân sự vận dụng một cách sáng tạo, đỉnh cao nhất chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Trong những lần trực tiếp cầm binh của Tôn Vũ, ông đều bách chiến bách thắng, dụng binh như Thần, người đời nể phục. (Ảnh: amazon.com).

Trong cuộc chiến Bắc phạt, sau khi bị mất Nhai Đình vào tay Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng bị dồn vào tình thế hết sức nguy cấp. Ông buộc phải rút về Tây thành, trong tay chỉ có 2000 quan văn và 500 võ tướng. Tư Mã Ý mang 15 vạn quân truy kích, tiến đến chân thành. Lúc ấy, Khổng Minh sai quân sĩ mở toang cổng, tự mình ngồi trên lầu ung dung gảy đàn, như có ý khiêu khích. Tư Mã Ý nghi hoặc, e có mai phục nên rút quân trở về.

“Không thành kế” này chính là rút từ trong “Binh pháp Tôn Tử” mà ra. Ý tứ là trong hoàn cảnh bị quân địch uy hiếp thì phải dùng thái độ trầm tĩnh, những hành động kỳ lạ để đánh lạc hướng, làm quân địch nghi hoặc, từ đó tìm đường thoát thân. Mặt khác, kế này cũng thường dùng để lừa quân địch vào ổ mai phục, vườn không nhà trống rồi tiến hành vây diệt.

Suốt hàng ngàn năm qua, binh pháp của Tôn Vũ luôn là kho tàng trí tuệ thâm sâu, ẩn tàng những giá trị chưa thể đo lường hết.

Tử Kính (theo NHDTV)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/5-tran-chien-vang-danh-thien-ha-cua-dai-quan-su-ton-vu-927234.html