5 tiêm kích có năng lực không chiến tốt nhất ASEAN

Là mũi nhọn trong chiến lược hiện đại hóa quân đội, không quân các quốc gia Đông Nam Á đang được trang bị những tiêm kích có sức mạnh hàng đầu thế giới.

Dưới đây là 5 chiến đấu cơ được đánh giá có năng lực không chiến hàng đầu khu vực.

1. Su-30MKM

Tiêm kích Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia. Ảnh: Airlines.net.

Tiêm kích Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia. Ảnh: Airlines.net.

Không quân Hoàng gia Malaysia tỏ ra đặc biệt ấn tượng với những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ, nhất là sau chiến thắng vang dội trước F-15 của Mỹ trong cuộc tập trận Cope India 2004. Do đó, họ đã quyết định đặt mua 18 chiếc Su-30MKM từ, công việc giao hàng được hoàn tất vào cuối năm 2008.

Su-30MKM của Malaysia là máy bay tiêm kích hạng nặng được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, hoạt động tầm xa, có cấu hình gần như giống hệt Su-30MKI của Ấn Độ.

Máy bay được trang bị radar mảng pha quét thụ động NIIP N011M BARS có tầm quét 400 km, theo dõi 15 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công 4 mục tiêu cùng lúc. Bên cạnh đó, động cơ kiểm soát vector 2D TVC AL-31FP giúp Su-30MKM chiếm ưu thế rất lớn trong không chiến quần vòng cự ly gần.

Ngoài ra, máy bay còn được trang bị nhiều thiết bị điện tử hàng không cực kỳ hiện đại do những doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới như Thales, SAAB AVITRONICS... sản xuất.

Tất cả những yếu tố trên giúp Su-30MKM giữ vững vị trí tiêm kích có khả năng không chiến tốt nhất khu vực Đông Nam Á.

2. F-15SG

Tiêm kích F-15SG của Không quân Singapore. Ảnh: Wikipedia.

F-15SG của Không quân Singapore là một phiên bản tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle. Đây là loại máy bay được thiết kế để can thiệp tầm xa, tiêu diệt các mục tiêu mặt đất nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, bên cạnh việc giữ vững khả năng không chiến cực mạnh.

F-15SG do 2 phi công điều khiển, máy bay được gắn thùng dầu phụ hòa nhập khí động sức chứa 2.800 lít giúp gia tăng đáng kể tầm bay nhưng cũng gây ảnh hưởng tới khả năng vận động.

Radar đa năng AN/APG-70 trên F-15SG có tính năng độc đáo là sau khi quét và thiết lập xong bản đồ địa hình có thể chuyển qua chế độ đối không trong khi vẫn theo dõi được mục tiêu dưới đất.

Hệ thống LANTIRN (Low Altitude Navigation and Targeting Infrared for Night - dẫn đường bay thấp, bay đêm và dò mục tiêu bằng hồng ngoại) cho phép F-15SG tấn công chính xác cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.

Hệ thống chiến tranh điện tử chiến thuật TEWS (Tactical Electronic Warfare System) cung cấp sự bảo vệ toàn diện cho máy bay trước các mối nguy cơ.

So với Su-30MKM thì F-15SG có tốc độ cao hơn (Mach 2,5 so với Mach 2), mang được tải trọng vũ khí lớn hơn (10,4 tấn so với 8 tấn) nhưng thua ở khả năng thao diễn và chế độ đối không của radar.

Hiện tại, Không quân Singapore được cho là đã sở hữu tới 40 chiếc tiêm kích F-15SG và sắp tới họ sẽ nhận được những chiếc F-35A đầu tiên để tạo thế áp đảo trong khu vực ASEAN.

3. JAS-39 Gripen

Tiêm kích JAS-39 Gripen của Không quân Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Thai Armed Forces.

JAS-39 Gripen là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ 1 động cơ do Công ty hàng không Saab của Thụy Điển phối hợp với Ericson (hệ thống điện tử) và Volvo (động cơ) chế tạo. Không quân Hoàng gia Thái Lan đã ký 2 hợp đồng đặt mua tổng cộng 18 tiêm kích Gripen để giữ vai trò chủ lực.

So với Su-30MKM hay F-15SG thì kích thước "bé hạt tiêu" có thể sẽ khiến JAS-39 bị đánh giá thấp. Tuy nhiên đây là một sai lầm lớn vì Gripen được thiết kế chính là để "đặc trị" các loại tiêm kích nặng.

Thiết kế của JAS-39 gồm cặp cánh delta lớn và cánh mũi mang đậm chất châu Âu, ưu điểm nổi trội của máy bay là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800 m, trong quá trình chiến đấu chỉ mất vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ trang là có thể cất cánh.

JAS-39 còn được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất, trong đó nổi bật là radar xung doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm hoạt động tối đa 120 km.

Các quốc gia sử dụng đánh giá cao JAS-39 ở đặc tính nhỏ gọn, diện tích phản xạ radar thấp, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng và chi phí bảo trì rẻ.

4. F-16C/D Block 52 Plus

Tiêm kích F-16D Block 52 Plus của Không quân Singapore. Ảnh: Wikipedia.

F-16C/D Block 52 Plus là biến thể hiện đại bậc nhất của gia đình tiêm kích nhẹ F-16 Fighting Falcon nổi tiếng. Đặc điểm nhận biết biến thể này chính là thùng dầu phụ hòa nhập khí động có dung tích 600 gallon gắn trên thân (có khả năng tháo rời).

Theo một số nguồn tin, những chiếc F-16D Block 52 Plus 2 chỗ ngồi được Không quân Singapore đặt mua có cấu hình rất giống với F-16I của Israel.

Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp AN/APG-68-V9 có khả năng tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu đi kèm với động cơ F100-PW-229 thế hệ mới và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ phi công DASH-3 do Israel chế tạo.

F-16D Block 52 Plus có khả năng mang các loại vũ khí hiện đại cho nhiệm vụ phòng không và tấn công tầm xa. Không quân Singapore đang sở hữu phi đội gồm 20 tiêm kích loại này.

5. Su-30MK2

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Su-30MK2 của Việt Nam là sản phẩm của tổ hợp Komsomolsk-on-Amur, có khá nhiều khác biệt so với Su-30MKM do Irkutsk sản xuất của Malaysia.

Cụ thể, Su-30MK2 được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N001 và OLS-30 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.

Radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.

Động cơ trang bị cho Su-30MK2 là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều như AL-31FP cùng với kết cấu không có cánh mũi khiến khả năng không chiến quần vòng hạn chế hơn Su-30MKM khá nhiều.

Tuy nhiên động cơ AL-31F lại có ưu điểm là tuổi thọ cao hơn hẳn, rất thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/5-tiem-kich-co-nang-luc-khong-chien-tot-nhat-asean/20190722034323970