5 sai lầm mà sinh viên ngày nay hay mắc phải

Khi còn là học sinh, chúng ta nhận được sự quản thúc của gia đình nên sẽ ít gặp những sai lầm này. Tuy nhiên, khi trở thành sinh viên với cuộc sống tự lập không có gia đình bên cạnh thì lại khác.

Không ít những bạn sinh viên đặc biệt sinh viên năm nhất cho rằng, đại học là học rất dễ, học đại học là khoảng thời gian tự do làm những gì mình thích. Minh chứng cho việc đó là rất hiếm trường hợp các lớp ở đại học giữ nguyên được sĩ số ban đầu cho đến khi ra trường.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên học hành sa sút và thất nghiệp sau khi ra trường hay có sức khỏe không tốt dù còn rất trẻ. Tuy nhiên, dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến nhất.

1. Đại học năm nhất toàn môn đại cương nên cứ qua môn là được, khi nào đến chuyên ngành rồi tập trung sau

Có thể các môn đại cương không giúp nhiều cho bạn trong công việc sau này. Tuy nhiên, chính thói quen học hành chỉ để qua môn của bạn lúc ấy sẽ khiến bạn lặp đi lặp lại việc học “tạm bợ” luôn cả những môn chuyên ngành.

Minh chứng cho việc này là rất nhiều bạn sinh viên từng học rất tốt ở năm cấp 3, nhưng khi lên đến Đại học thì lại chật vật với các môn đại cương. Ngoài ra, điểm số những môn đại cương ở năm nhất cũng góp phần xếp loại học lực cho bạn suốt 4 năm đấy.

Đã là thói quen thì việc từ bỏ hoặc thay đổi rất khó khăn. Do đó, bạn hãy nghiêm túc với việc học ngay từ khi bắt đầu nhé!

2. Thức khuya chỉ để “tám” cùng bạn bè

Khi còn là học sinh, đa số các bạn sẽ không thức quá 10 giờ đêm (trừ những ngày ôn thi). Thế nhưng lên Đại học, kể cả những ngày nghỉ cũng đã thức tận khuya vì “sáng mai có thể ngủ bù”. Trường hợp này rất nhiều bạn mắc phải. Thức đến 1 -2 giờ sáng sau đó ngủ đến 10-11 giờ trưa.

Giấc ngủ ban đêm nó rất quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Mặc dù bạn có thể ngủ bù cho đủ 8 tiếng nhưng ngủ sau giấc cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Điều quan trọng hơn, nó vẫn hình thành thói quen ngủ muộn, dậy muộn.

Thói quen này dần hình thành, từ đó việc dậy trước 6 giờ 30 ngày càng khó khăn hơn. Có nhiều bạn 7:15 vào lớp nhưng mãi tận 7 giờ mới dậy. Vô lớp thì uể oải, không tập trung được.

Những cặp đôi yêu nhau thường thức thâu đêm suốt sáng để nhắn tin cho nhau. Người yêu cùng nhau trò chuyện đến sáng. Nghe thì lãng mạng đấy nhưng không thực tế, thức tới sáng xong ngủ tới tối thì mất phí cả một ngày rồi. Thay vì vậy, hãy khuyên nhau ngủ sớm để sáng có thể dậy sớm mà tiếp tục câu chuyện nhé! Hơn nữa, yêu thương là quan tâm nhau chứ không phải bào mòn sức khỏe nhau như thế.

3. Mình còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho tương lai

Không ít những trường hợp các bạn sinh viên chủ quan việc học còn dài nên chưa tính đến chuyện “ra trường làm gì”. Kết quả là nhiều bạn ra trường nhưng vẫn còn lận đận trong việc tìm việc cho mình. Vì trong CV chả có gì để ghi.

Bạn đã vượt qua hàng nghìn thí sinh khác để đậu vào một trường Đại học, đây chỉ là bước chọn lọc đầu tiên và khá dễ dàng. Thế nhưng, bước tiếp theo mới quan trọng. Cuộc sống luôn là chuỗi ngày sàn lọc mà.

Bạn vượt qua trăm nghìn thí sinh để được vào Đại học, sau đó phải vượt qua hàng nghìn sinh viên khác để có thể được ứng tuyển vào một vị trí ở một công ty. Rồi tiếp theo bạn phải vượt qua rất nhiều người để được lên làm quản lý hoặc các cấp cao hơn.

Khi bạn nghĩ mình thời gian còn nhiều, nghĩa là bạn đang chậm hơn nhiều người khác đấy. Bạn có chấp nhận trở thành một trong số những người bị loại?

4. Tự tin với kiến thức mình có

Một em bé 3 thực hiện được phép tình 5 5 =10 thì sẽ được khen là thông minh. Một đứa trẻ 5 tuổi nói được 2 – 3 câu tiếng Anh thì xem như thần đồng. Thế nhưng, điều đó sẽ chẳng diễn ra nếu bạn là một người 18 tuổi cả. Ở tuổi 18, những gì được xem là “thần đồng” lúc bé sẽ chả là gì cả.

Khi bạn lớn, kiến thức của bạn càng nhiều, bạn sẽ được người khác đánh giá cao hơn. Đừng bao giờ nghĩ rằng, tôi có một tấm bằng đại học loại giỏi thì mức lương khi mới ra trường là 15 – 20 triệu. Bạn nên nhớ rằng, khi bạn tốt nghiệp không chỉ có một mình bạn nhận tấm bằng đại học. Và cũng không chỉ mình bạn là loại giỏi.

Hơn thế, đa số các tôn chỉ của các trường đại học chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải đào tạo ra những người quản lý. Môi trường làm việc sẽ chọn lọc ra ai là người quản lý, ai là sếp,.. Nên nếu bạn có ý nghĩ ra trường loại giỏi thì mình phải làm quản lý, trưởng phòng, giám đốc mà không có sự đầu tư thêm kiến thức cho mình thì bạn sẽ lọt vào danh sách thất nghiệp của năm đấy. (Trừ khi nhà bạn có tiền mở công ty riêng cho bạn).

5. Mình là sinh viên của trường đại học đầu vào điểm cao hơn nên mình giỏi hơn các bạn vào trường điểm đầu vào thấp

Bạn đậu đại học, người khác cũng đậu đại học, nghĩa là các bạn đã cùng nhau vượt qua được hàng nghìn người khác để đặt chân vào giảng đường. Việc điểm số đầu vào cao thấp tùy thuộc và các ngành học và cả tiêu chí hoạt động của trường.

Việc đầu vào cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là suốt 4 năm học đại học, bạn học được gì? Ra trường việc bạn làm có bạn có thật sự yêu thích nó?

Khi lên đại học, không ít nhiều bạn từng nghe các câu chuyện “học ngu mới vào trường A” hay mấy đứa “trường A toàn mấy đứa học dốt”. Có thể điểm số của các bạn không cao thật nhưng điều đó không có nghĩa là những bạn ấy không thông minh. Đừng quên, điểm số chỉ xếp hạng học lực, còn năng lực thật sự mới xếp hạng một con người.

Có thể một bạn học không giỏi nhưng lại khéo léo ở các mảng khác. Không ít trường hợp những bạn từng học ở các trường được coi là “học dốt” nhưng bây giờ lại trở thành những trụ cột quan trọng trong các công ty, tập đoàn lớn. Do đó, không có khái niệm trường điểm thấp là trường chỉ nhận những người học không tốt. Quyết định sự thành công của một người không phải điểm số mà là thái độ.

Hoài Phong/Sinh viên Plus

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/5-sai-lam-ma-sinh-vien-ngay-nay-hay-mac-phai-20200903221140150.html