5 rào cản lớn ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ DTTS cấp xã
Mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm; khối lượng công việc nhiều; kiêm nhiệm nhiều công việc, khó tập trung… là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) cấp xã, khu vực phía Nam.
Ngày 6/12, tại TPHCM, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả khảo sát "Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã tại các tỉnh phía Nam"
Chương trình tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính ở TPHCM và kết nối trực tuyến với các huyện trên địa bàn khảo sát trong khu vực phía Nam. Đây là hoạt động nhằm triển khai Dự án 8, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025.
Những kết quả nổi bật của khảo sát
Theo đó, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện dự án khảo sát "Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã tại các tỉnh phía nam" tại 7 huyện thuộc 4 tỉnh thành có đông đồng bào DTTS gồm: Trà Vinh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước.
Kết quả khảo sát cho thấy, đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã đang đảm nhận hầu hết các chức vụ quản lý, lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị cấp xã, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở khối đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN (chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,02%). Các chức vụ lãnh đạo như Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND rất thấp (với tỷ lệ 1,14%).
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Chủ nhiệm dự án, cho biết: "Cán bộ nữ DTTS cấp xã hiện nay đã có ý thức đạo đức công vụ cao, am hiểu địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, họ cần được bồi dưỡng, trau dồi thêm để cải thiện năng lực quản lý, điều hành, năng lực quản trị nhân sự và đặc biệt là năng lực quản trị bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc".
Khảo sát cũng chỉ rõ, có 5 yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng lực quản lý, lãnh đạo của cán bộ nữ DTTS cấp xã, gồm: Mức thu nhập chưa tương xứng vị trí việc làm; khối lượng công việc nhiều; kiêm nhiệm nhiều công việc, khó tập trung; ít có cơ hội nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; cơ sở vật chất không đầy đủ.
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ DTTS cấp xã
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý và cán bộ nữ DTTS đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Luật sư Đậu Thị Quyên, Trưởng Văn phòng luật sư LPVN, đề xuất: "Tôi nhận thấy cán bộ nữ cấp xã có thế mạnh về khả năng kết nối và huy động nguồn lực. Tôi đề xuất nâng cao thêm 2 kỹ năng trên để giải quyết các vấn đề của địa phương. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cán bộ nữ cấp xã về kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai là hết sức cấp thiết. Cán bộ cấp xã, đặc biệt là cán bộ nữ, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cộng đồng ứng phó với các tình huống khẩn cấp".
TS. Ngô Thị Thanh Mai, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các lớp đào tạo chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thực tế của cán bộ. Bên cạnh đó, TS Mai cũng đề cập đến vấn đề nhận thức của cán bộ nữ. Nhiều chị em rất nhiệt huyết và có năng lực nhưng chưa nhận thức đầy đủ về vị thế và vai trò của mình. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, phụ nữ cần chăm sóc sức khỏe bản thân và sắp xếp công việc hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.
"Cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS cấp xã, cần được trang bị kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để cân đối giữa công việc và cuộc sống. Phụ nữ không nên ôm đồm nhiều việc mà phải lọc lựa công việc để đầu tư thực hiện cho hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tự nhận thức về vai trò và giá trị của bản thân là rất quan trọng. Cán bộ nữ DTTS cần tự hào về những đóng góp của mình để khẳng định vị thế của phụ nữ trong xã hội", TS Ngô Thị Thanh Mai, chia sẻ.
Từ những căn cứ lý luận và thực trạng kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã, bao gồm: Nhóm giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ Hội LHPN và hội viên, phụ nữ về công tác xã hội; nhóm giải pháp về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hành công tác xã hội; nhóm giải pháp về công nghệ và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và các giải pháp khác.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Ủy viên BCH TƯ Hội, Phó trưởng Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Đội ngũ cán bộ nữ DTTS cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đồng. Nâng cao năng lực của họ không chỉ góp phần cải thiện chất lượng quản lý địa phương mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, là hết sức cần thiết. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các chị tự tin tham gia để tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử trong thời gian sắp tới.