5 nhóm giải pháp ngăn chặn nạn mua bán phụ nữ, trẻ em 'trá hình'

Nêu thực trạng phức tạp về việc mua bán người xảy ra, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) khẳng định hàng trăm nạn nhân, trong đó có phụ nữ trẻ em.. vẫn chưa được giải cứu. Bà đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm có giải pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này

Tại phiên chất vấn sáng nay 4/6 dành cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho biết, tình trạng mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố, đối với trẻ em phụ nữ ở cả miền núi, vùng dân tộc lẫn thành phố lớn.

Bà dẫn chứng từ chính số liệu của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2018 vẫn có 519 trường hợp được xác định là nạn nhân của mua bán người vẫn chưa được giải cứu.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng Công an thông tin lại, đến nay số người này đã được giải chưa, cơ tổ chức cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không giải cứu được các nạn nhân, đặc biệt là dưới các hình thức “trá hình” lấy chồng ngoại quốc, du lịch, xuất khẩu lao động…?”.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định). Ảnh: VPQH

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định). Ảnh: VPQH

Trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thảo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2018 và quý I năm 2019 có 244 vụ mua bán người, xác minh giải cứu 577 nạn nhân, và tư vấn hỗ trợ tâm lý cho hơn 170 nạn nhân. Hiện vẫn còn 385 nạn nhân đang tiếp tục được giải cứu.

Ông Lâm khẳng định, cơ quan công an đã phối hợp hợp tác quốc tế chặt chẽ để ngăn chặn tội phạm dưới hình thức trá hình là lấy chồng nước ngoài, đi du lịch hay xuất khẩu lao động.

Nhóm giải pháp dược ông Lâm đưa ra khi giải trình trước Quốc hội bao gồm:

Thứ nhất, coi trọng đặc biệt tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về công tác phòng chống nạn mua bán người, nhất là nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ đến tuổi lấy chồng, phụ nữ trẻ em vùng biên giới…

Thứ hai, Bộ Công an đang xiết chặt công tác quản lý xuất nhập cảnh, để chủ động phát hiện việc mua bán, đưa người qua biên giới và ngăn chặn kịp thời.

Nhóm giải pháp thứ ba được ông Tô Lâm đưa ra là tăng cường nghiệp vụ của lực lượng điều tra để xử lý các đường dây mua bán người dưới các hình thức. Hiện cơ qua này đang thực hiện cao điểm tấn công trấn áp đối tượng, trên cơ sở hợp tác với các nước chung biên giới như Trung Quốc, Lào , Cambodia…

Giải pháp thứ tư là Bộ Công an đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng hình thức ký nhiều thỏa thuận hợp tác với phòng chống mua bán người với các nước sát biên giới, một số nước Châu Âu và thậm chí là với Mỹ.

Giải pháp nữa là chúng tôi đang tăng cường phối hợp với ngành, các cấp trong công tác mua bán người, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em” – ông Tô Lâm nhấn mạnh.

90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em

Theo một báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ đưa ra vào cuối năm 2018, trong những năm qua, trung bình mỗi năm có hàng nghìn người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Điều tra, rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em, trong đó hơn 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, nhận thức chưa cao, tiếp cận thông tin ít. Hầu hết các trường hợp do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên dễ bị lừa bán ra nước ngoài cưỡng ép kết hôn và bị bóc lột tình dục.

Còn trên thế giới, theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện trên thế giới ước tính có hơn 46 triệu người là nạn nhân của tội phạm buôn bán người (tỷ lệ phụ nữ và trẻ em là 7/10 nạn nhân), họ bị cưỡng bức lao động nặng nhọc, cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục. Không chỉ vậy, các nạn nhân của tội phạm buôn người còn bị lấy nội tạng bán cho người có tiền và có nhu cầu ghép tạng. Ước tính, tội phạm buôn người thu về khoảng 150 tỷ USD/năm.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/5-nhom-giai-phap-ngan-chan-nan-mua-ban-phu-nu-tre-em-tra-hinh-post60241.html