5 nhóm giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ tập trung phân tích những kết quả đạt được và biện pháp khắc phục các hạn chế, bất cập, thời gian tới, với 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đến nay, về cơ bản các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo...

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, bất cập, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó đột phá đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, để thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn. Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn vừa qua.

“Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; hoàn thiện cơ chế để cơ quan quản lý giáo dục được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và phân bổ, sử dụng nguồn tài chính dành cho giáo dục của địa phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các địa phương...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết nhóm giải pháp thứ hai là phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thời gian qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, nâng cao chất lượng một bước. Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn bấp cập, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Nhóm giải pháp thứ ba là tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, quy hoạch một bước mạng lưới trường, lớp học. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ học các trường, điểm trường lẻ có ít giáo viên, học sinh. Việc quy hoạch, sắp xếp chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

Hai nhóm giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập là nhóm giải pháp về đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác truyền thông, tạo được đồng thuận cao của xã hội.

THU HÀ (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/5-nhom-giai-phap-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-650295