5 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid- 19: Dịch khó dự đoán, còn kéo dài

Trên thế giới, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, dịch bệnh diễn biến khó dự đoán, nguy cơ vẫn còn hiện hữu.

Dịch Covid- 19 tại Việt Nam khó dự đoán và còn kéo dài

Dịch Covid- 19 tại Việt Nam khó dự đoán và còn kéo dài

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến sáng 21/4, sau 5 ngày Việt Nam vẫn không ghi nhận thêm ca mắc Covid- 19 mới. Số ca mắc hiện vẫn đang dừng ở 268, trong đó số ca chữa khỏi đã lên tới 214 người.

Trước những con số này, chúng ta có nên lạc quan cho rằng, Việt Nam đã sắp hết dịch? Chia sẻ tại buổi họp báo sáng 21/4, TS Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cũng cho rằng Việt Nam cần luôn sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 của dịch có thể ập đến bất cứ lúc nào.

“Cuộc chiến với Covid-19 là một cuộc chiến trường kì. Do đó, bất kì quốc gia nào cũng cần phải tính đến các biện pháp để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Tôi cho rằng, Việt Nam nên thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, việc nới lỏng này sẽ cần phải thực hiện từng bước một”, TS Kasai nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, đây là “tín hiệu vui nhưng không vì thế mà chủ quan”.

Bởi “dịch bệnh diễn biến khó dự đoán, còn kéo dài, nguy cơ dịch tại nước ta vẫn còn hiện hữu”. Theo TS Phu, dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp (tăng nhanh số ca mắc và tử vong) và kéo dài. Nếu chúng ta không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Như ca mắc mới đây tại Hà Giang là một ví dụ. Bệnh nhân trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp với Trung Quốc.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) với 63 địa phương chiều 17/4 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có văc xin thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng.

Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.

Ngoài ra, TS Phu nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện, ngành y tế không thể kiểm soát được. Như vậy vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Tại Trung Quốc hiện vẫn còn ghi nhận ca bệnh.

Thời gian vừa qua Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, nhà nào ở nhà đấy nhằm hạn chế việc tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

Tuy nhiên, TS Phu cho rằng không phải 100% trong số hơn 96 triệu người dân nước ta đều thực hiện nghiêm điều này.

“Chúng ta không quản hết được, người dân vẫn đi lại. Có người mang mầm bệnh mà không biết, họ gặp người khác thì vẫn lây bệnh. Những trường hợp mắc bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ chúng ta không biết được, vì họ không vào bệnh viện”, TS Phu phân tích.

Với một ổ dịch chúng ta phong tỏa 28 ngày thì quản lý hết được, cách ly tuyệt đối. Chúng ta kiểm soát được100%, không cho ai từ ổ dịch ra ngoài, có ca nào dương tính thì tiến hành cách ly xét nghiệm các trường hợp F1, xác định các ca F2, F3. có ca sốt nào cách ly 28 ngày. Tuy nhiên, với quy mô một tỉnh, thành hoặc cả nước thì không thể quản lý hết được, vẫn có người mang mầm bệnh. Ở ngoài cộng đồng chỉ bỏ sót một đối tượng cũng có thể khiến dịch bùng lên.

TS Phu lấy ví dụ với Singapore, giai đoạn quốc gia này làm rất tốt, nhưng thời gian qua số mắc tại quốc gia này lại tăng nhanh (hơn 8.000 ca bệnh, 11 người tử vong).

“Họ quản lý tốt đối tượng này nhưng lại bỏ sót đối tượng người lao động nhập cư. Dịch bùng lên từ chính nhóm đối tượng này. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên”, TS Phu nói.

Vì thế, chuyên gia khuyên người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế.

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/5-ngay-khong-ghi-nhan-ca-mac-covid-19-moi-viet-nam-da-het-dich-61378.html