5 ngày đầu đi học của trẻ mầm non TP.HCM sẽ như thế nào?

Trong tuần đầu tiên trở lại trường từ 14-2, các cơ sở mầm non tại TP.HCM tạm thời chưa tổ chức ăn sáng.

Chỉ còn vài ngày nữa, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM sẽ mở cửa đón trẻ đi học trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19.

Được biết, TP.HCM có 1.360 trường mầm non, 1.800 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục với hơn 355.000 em theo học.

Từ đầu tuần này, 7-2, các trường, nhóm lớp mầm non đã bắt đầu các công tác chuẩn bị như vệ sinh phòng ốc và đồ dùng học tập, khử khuẩn, mua sắm bổ sung trang thiết bị, sửa chữa, tập huấn phòng chống dịch…để sẵn sàng đón trẻ đến trường từ 14-2.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM cũng như TP Thủ Đức và 23 quận, huyện, chỉ các cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch mới được hoạt động trở lại. Nếu chưa thể hoạt động, các cơ sở cần báo cáo, lập danh sách để Phòng GD&ĐT điều tiết cho trẻ được tiếp nhận học ở các cơ sở khác.

Khi trẻ đến trường, các cơ sở mầm non phân công giáo viên hỗ trợ đón trẻ, kiểm tra sức sức khỏe (đo thân nhiệt, rửa tay…) và hướng dẫn trẻ vào lớp phù hợp với điều kiện của trường.

Cô trò Trường mầm non Hoa Hồng (TP Thủ Đức) trong một giờ học tại trường, năm 2021.

Cô trò Trường mầm non Hoa Hồng (TP Thủ Đức) trong một giờ học tại trường, năm 2021.

Trong tuần đầu tiên trở lại trường từ 14-2, các cơ sở mầm non tại TP.HCM tạm thời chưa tổ chức ăn sáng. Trẻ sẽ được sinh hoạt các nội dung về giữ vệ sinh cá nhân, giữ gìn sức khỏe an toàn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế đưa tay lên mặt mũi miệng, biết che miệng khi ho hay hắt hơi, biết trao đổi với giáo viên khi có các dấu hiệu mệt, ho hay khó thở…

Cụ thể, trong ngày đầu tiên, giáo viên sẽ dạy trẻ kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch bệnh (tính tự lập, bình tĩnh, biết cách ứng phó trước mọi tình huống). Dạy trẻ một số quy tắc trước khi đến trường để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh (lối đi, các khu vực để đồ cá nhân…)

Giáo viên sẽ làm quen với trẻ, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, biết giữ gìn khẩu trang cá nhân, sử dụng riêng biệt đồ dùng ăn uống cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định (lưu ý không dùng chung đồ dùng với bạn).

Ngày thứ hai, các trường giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh (sốt, ho và mệt, đau nhức chân tay, đau đầu, khó thở) và xử trí kịp thời (trao đổi với giáo viên hoặc bạn). Tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.

Ngày thứ ba, tiếp tục củng cố các thói quen vệ sinh cá nhân, ý thức thực hiện 5K để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Tăng cường các hoạt động, trò chơi theo nhóm nhỏ để củng cố kiến thức và kỹ năng đã được hỗ trợ qua clip.

Ngày thứ tư, mở rộng các hoạt động giáo dục, chú trọng các vận động phát triển thể chất nhằm khích lệ tinh thần, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Nâng cao kỹ năng tự phục vụ bản thân và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngày thứ năm, dạy trẻ nhận biết các thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời tiếp tục củng cố kiến thức, kỹ năng và tổ chức một số hoạt động, trò chơi phù hợp với lứa tuổi.

Sau đó, theo kế hoạch từ Sở GD&ĐT TP, từ 21-2 đến 25-2, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục hướng dẫn trẻ thói quen về phòng chống dịch bệnh, duy trì thói quen vệ sinh cá nhân. Chú trọng các hoạt động cốt lõi đảm bảo nội dung chương trình và thời gian năm học.

Ngày 28-2, tổ chức sơ kết và rút kinh nghiệm công tác đón trẻ trở lại trường.

Giai đoạn từ 1-3, tùy theo điều kiện an toàn, phòng chống dịch bệnh, các cơ sở mở rộng các lứa tuổi đi học theo nhu cầu của phụ huynh. Tiếp tục các hoạt động tại nhóm, lớp, tăng cường các bài tập cá nhân. Ưu tiên cho trẻ 5 tuổi làm quen chữ viết và làm quen với toán để chuẩn bị cho trẻ vào lớp một.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc/5-ngay-dau-di-hoc-cua-tre-mam-non-tphcm-se-nhu-the-nao-1042846.html