5 năm triển khai kế hoạch đầu tư công: Chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tư duy 'xếp hàng'

Khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả được nâng cao, tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ cấu đầu tư chuyển biến tích cực… là những kết quả quan trọng đạt được khi triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Việc phân bổ vốn đầu tư công vừa qua cơ bản đã đảm bảo rõ nguyên tắc, tiêu chí, định mức.

Việc phân bổ vốn đầu tư công vừa qua cơ bản đã đảm bảo rõ nguyên tắc, tiêu chí, định mức.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại đáng kể như: tình trạng giải ngân chậm, tư duy “xếp hàng” dù cân đối không đảm bảo, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA…

Khắc phục dần tình trạng dàn trải, lãng phí

Cùng với Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) lần đầu tiên được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đánh giá tại cuộc làm việc mới đây của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư công vừa qua cơ bản đã đảm bảo rõ nguyên tắc, tiêu chí, định mức. Vai trò của đầu tư công được phát huy, hiệu quả được nâng cao và đáng chú ý là cơ cấu đầu tư cũng chuyển biến tích cực, khi tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn toàn xã hội giảm, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng.

Về thứ tự ưu tiên, chúng ta đã ưu tiên đầu tư cho vùng hải đảo, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là dành vốn hoàn thành cơ bản chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, khắc phục hạn hán, biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…

Song bên cạnh các kết quả, Chủ nhiệm UBTCNS cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công giai đoạn vừa qua. Đó là, việc lập danh mục dự án đầu tư công theo thứ tự đôi lúc chưa được tuân thủ triệt để; nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn phát sinh; tư duy “xếp hàng” dù cân đối vốn không đảm bảo; còn những dự án khởi công mới trong khi nhiều dự án chậm giai đoạn trước chưa được bố trí đủ vốn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tốt dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn để Quốc hội khóa 14 cho ý kiến lần đầu và Quốc hội khóa 15 sẽ quyết định, sau khi Chính phủ hoàn thiện. Dự kiến quy mô đầu tư phải cao hơn giai đoạn trước và tương đương khoảng 27% tổng chi ngân sách.

Đặc biệt, về dự án ODA, việc sử dụng vốn ODA chưa đảm bảo đúng chính sách, vốn đối ứng không bố trí được trong khi vẫn cam kết. Mặc dù chúng ta đã giải quyết được một số công trình lớn, giải quyết được một số tình trạng như “có cầu không có đường, có đường không có mương, có đường điện cao thế mà không có hạ thế…”, nhưng đến nay các dự án liên quan đến ODA vẫn còn chậm, ách tắc, Chủ nhiệm UBTCNS cho biết. Mặc dù vốn cân đối ODA giai đoạn này đã được nâng lên gần 300.000 tỷ đồng, nhưng ông Nguyễn Đức Hải nhận định, khả năng năm 2020 - 2021 vẫn tồn tại nhiều vấn đề, ách tắc lớn, mà có những vấn đề liên quan đến dự án lớn cần Quốc hội cho ý kiến quyết định.

Về giao vốn, vẫn có một số bộ, ngành phản ánh về việc giao chậm, giao nhiều lần, kéo dài thời gian, đã giao nhưng bố trí vốn không đủ (chỉ đạt 80 – 90%, theo phản ánh của một số bộ như Bộ Lao động, Giáo dục, Y tế…). Đồng thời khi có vốn, thì giải ngân chậm vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của nhiệm kỳ này.

Sẽ có “bức tranh sạch sẽ về đầu tư công”

Chia sẻ về những kết quả, khó khăn trong triển khai KHĐTCTH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều tồn tại lớn trước đây đã cơ bản được khắc phục, song có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay. Như về giao vốn, hiện Chính phủ giao một lần vào trước tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, đến tháng 7, tháng 8 vẫn còn những bộ, địa phương chưa giao xong chi tiết. Về phía mình, lãnh đạo Bộ KH&ĐT thừa nhận vẫn còn tâm lý “nể nang”, nên đã nhiều lần xin hoãn, giãn thời hạn phải thực hiện thu hồi vốn với các đơn vị chậm giao vốn, chậm giải ngân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, một đổi mới mạnh mẽ của nhiệm kỳ này là Bộ KH&ĐT đã “phân cấp, ủy quyền hết”, “không ban phát, xin cho”. Các địa phương lập kế hoạch gửi vào hệ thống điện tử để được phê duyệt tự động và Bộ KH&ĐT không can thiệp mà chỉ tổng hợp, rà soát ở khâu cuối cùng về các điều kiện, tiêu chí. “Bộ KH&ĐT thống nhất quan điểm là tập trung vào làm những vấn đề lớn của đất nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, 10 năm, xây dựng cơ chế chính sách mới, huy động nguồn lực… chứ không đi phân bổ và quản lý nguồn lực như kiểu xưa nữa” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Từ những kết quả, bài học của nhiệm kỳ này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết định hướng xây dựng KHĐTCTH giai đoạn tới là phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW), xử lý các vấn đề nợ đọng, đối ứng, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, hạn chế tối đa khởi công mới nếu làm chưa hết các dự án còn tồn lại… để có “bức tranh sạch sẽ về đầu tư công”.

Về KHĐTCTH giai đoạn tới, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải lưu ý phát huy sự chủ động của địa phương nhưng vai trò của ngân sách trung ương phải đảm bảo, nếu không sẽ không tập trung được vốn cho các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, phải tính toán về nguồn vốn khi mà nhu cầu đầu tư tăng khá lớn, nhiều bộ đã đề xuất tăng gấp đôi, gấp ba, khả năng vượt quá cân đối ngân sách. “Phải đảm bảo các thứ tự ưu tiên, có đột phá trong đầu tư để tạo sự thay đổi, nhưng cũng phải đảm bảo các chỉ tiêu nợ công, bội chi… Bội chi chỉ dành cho đầu tư, phải giảm chi thường xuyên, tiết kiệm hơn nữa mới có nguồn cho đầu tư công” - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-12/5-nam-trien-khai-ke-hoach-dau-tu-cong-chuyen-bien-tich-cuc-nhung-van-con-tu-duy-xep-hang-93314.aspx