5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 năm thực hiện Đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững' (Thủ tướng phê duyệt ngày 10/6/2013), tổng quan chung, toàn ngành đạt tăng trưởng 2,55%/năm.

Xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong 5 năm qua bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước đó. Nguồn: Internet

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012 và tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.

Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm; tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm...

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Bộ NN&PTNT nêu rõ: Bước vào giai đoạn mới, toàn ngành sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như vấn đề về thị trường là xu hướng biến động liên tục làm ảnh hưởng tới phân khúc sản xuất (thủy sản, dược liệu, sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường...); liên quan tới các hàng rào kỹ thuật, nhiều nước phát triển đã quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp... Trong khi đó, sản xuất trong nước vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thích ứng được với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu thay đổi liên tục, nhanh và rõ nét...

Tuy vậy, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực, hướng đến mục tiêu: "Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/5-nam-tai-co-cau-nong-nghiep-xuat-khau-dat-tren-157-ty-usd.aspx