5 năm hiếm muộn, cặp vợ chồng bất ngờ đón cặp song sinh nhờ… xin noãn

Sau 5 năm chạy chữa, chị H. hạnh phúc đón nhận 2 thiên thần bé nhỏ nhờ phương pháp xin …noãn của người phụ nữ khác.

Hành trình “tìm con” đầy gian nan, vất vả

Kể về hành trình tìm con, chị L.T.N.H (42 tuổi, Cần Thơ) cho biết: “Sau kết hôn (năm 2012), vợ chồng tôi mong ngóng tin vui từng ngày. Thấy vậy, bạn bè khuyên “con cái là lộc trời cho”, không phải vội vàng. Nhưng tôi gần 40 tuổi, việc sinh nở càng khó khăn nên rất lo lắng”.

Vợ chồng chị H. quyết định chạy chữa tìm con. Ai chỉ ở đâu có thầy lang bắt mạch bốc thuốc trị hiếm muộn là vợ chồng chị tìm đến với hi vọng con yêu sớm về. Dù vậy, họ vẫn không hề thấy tin vui.

Nhiều tháng uống thuốc đông y không kết quả, chị H. và chồng đến bệnh viện kiểm tra và tiến hành bơm tinh trùng vào buồng trứng. Chị tâm sự: “Bước sang tuổi 40, chúng tôi càng lo lắng hơn về câu chuyện con cái. Tôi lên mạng tìm hiểu về phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau đó, hai vợ chồng đi bệnh viện bơm tinh trùng vào buồng trứng.

Chị H. vui vẻ ngắm nhìn các con yêu ngủ ngoan

Ngay lần đầu, chúng tôi đã thất bại và được bác sĩ khuyên nên làm nhiều lần để tỉ lệ đậu thai cao hơn. Vì vậy, vợ chồng tôi lại miệt mài vào viện thụ tinh. Tuy nhiên mọi cố gắng, nỗ lực của chúng tôi đều không thành công.

Tôi buồn và khóc rất nhiều vì lo sợ mình không còn cơ hội có con. Đặc biệt, tôi luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi và muốn bỏ cuộc”.

Cặp song sinh chào đời nhờ... noãn đi xin

Dù nản chí nhưng khao khát được làm cha làm mẹ của vợ chồng chị H. luôn bùng cháy. Vì vậy, họ quyết định lần nữa đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện TP. Cần Thơ chữa trị “tìm con”.

Tại đây, chị H. được các bác sĩ tư vấn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – xin noãn. “Bác sĩ nói dự trữ buồng trứng của tôi thấp. Vì thế, tôi muốn con phải nhờ đến noãn của người khác. Nghe xong, tôi không chấp nhận vì nếu làm vậy, đứa trẻ chào đời không phải con của tôi. Bác sĩ liền phân tích phương pháp này là lấy noãn của người cho kết hợp với tinh trùng chồng rồi chuyển phôi vào buồng tử cung của tôi.

Mẹ con chị H. chụp hình kỷ niệm cùng các y bác sĩ tại Khoa Hiếm muộn trước ngày ra viện

Về mặt di duyền, con tôi vẫn mang gen bố, còn tôi được cảm nhận tháng ngày mang nặng đẻ đau như mọi phụ nữ khác. Sau đó, vợ chồng tôi đã đồng ý làm thụ tinh ống nghiệm – xin noãn và thành công”.

Nhờ vào sự kiên trì và cố gắng, vợ chồng chị H. đã gặt hái được hai “trái ngọt” sau 5 năm kiếm tìm.

Đầu tháng 12 vừa qua, chị H. đã “vượt cạn” thành công, chào đón 2 thiên thần bé nhỏ trong niềm vui của gia đình và tập thể các y bác sĩ tại bệnh viện. “Khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời, tôi đã bật khóc vì quá hạnh phúc. Đó giống như một giấc mơ mà trước kia tôi luôn khao khát. Giờ tôi đã có thể thực hiện thiên chức làm mẹ với 2 con yêu.

Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ tại Bệnh viện đã cứu giúp, chăm sóc chu đáo 3 mẹ con tôi những ngày này”, chị H. xúc động.

Th.S BS. Nguyễn Phan Vinh – Phó trưởng Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện thành phố Cần Thơ) cho biết, trường hợp vô sinh do vợ mắc phải tình trạng giảm dự trữ buồng trứng hay suy buồng trứng sớm sẽ được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nhiệm - xin noãn.

Đó là phương pháp lấy noãn của người cho kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ. Xét mặt di truyền, đứa trẻ mang gen bố, người vợ cũng hài lòng vì có được niềm vui mang nặng, đẻ đau.

Bên cạnh đó, kỹ thuật trữ phôi còn giúp nâng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn. Bởi trong quá trình kích thích, gây xâm lấn cùng việc dùng thuốc, bệnh nhân đau đớn, stress ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển phôi của lần đầu tiên.

“Nếu lần đầu chuyển phôi không thành công, số phôi dư được trữ đông lạnh. Lần sau khi cơ thể đã hồi phục, tâm lý ổn định thì người bệnh có thể tiếp tục chuyển phôi với phôi đã được trữ, giúp giảm chi phí cho người bệnh và tỷ lệ đậu thai sẽ cao hơn”, bác sĩ Vinh nói.

Thiên Ân

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/suc-khoe/5-nam-hiem-muon-cap-vo-chong-bat-ngo-don-cap-song-sinh-nho-xin-noan-c11a598870.html