5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lực học sinh

Sáng 18/9 tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức hội thảo với chủ đề '05 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo: Thành tựu và thách thức'.

Tham gia sự kiện có các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia về giáo dục, đại diện các Sở GD&ĐT, trường đại học, các trường từ mầm non đến trung học phổ thông.

Năm học 2018 – 2019 đánh dấu mốc 5 năm ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT. Hội thảo lần này tập trung vào phân tích, thảo luận các kết quả và phát hiện những vấn đề trong quá trình đổi mới ấy, từ đó đề xuất các giải pháp để tiếp tục công cuộc đổi mới giáo dục qua việc lắng nghe 3 báo cáo chuyên sâu với các chủ đề: Những đổi mới và chuyển biến trong giáo dục mầm non, phổ thông; Những đổi mới trong phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; Vấn đề tự chủ của các trường đại học.

Nhiều kết quả tích cực đã được chỉ ra tại 3 báo cáo chuyên sâu này. Đặc biệt, trong đổi mới giáo dục phổ thông, theo báo cáo do PGS.TS Nguyễn Chí Thành công tác tại Khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN báo cáo, năng lực của học sinh được chú trọng bồi dưỡng thông qua việc thay đổi các chính sách - chuyển dịch theo hướng tăng cường, đảm bảo chất lượng, chú ý đến đảm bảo quy trình, chuẩn hóa đầu ra tạo điều kiện môi trường dạy và học cho giáo viên và học sinh. Chuyển đổi và xây dựng chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực, tích hợp ở bậc Tiểu học, tự chọn phân hóa ở bậc THPT và tự chọn. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được thay đổi, nhấn mạnh vào kỹ năng và ứng dụng thực tiễn. Chi tiêu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục; Đầu tư cơ sở vật chất nhà trường được củng cố, mở rộng, phát triển nhanh góp phần xây dựng môi trường học tâp lấy học sinh làm trung tâm;...

Bên cạnh đó, về vấn đề đổi mới kiểm tra đánh giá, các nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động này đang đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lưc học sinh thông qua việc đa dạng hóa loại hình kiểm tra, thúc đẩy đánh giá quá trình thay vì chỉ tập trung vào đánh giá tổng kết. Tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức. Kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình. Tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn. Kỳ thi THPT Quốc gia đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Đã có những con số minh chứng rõ cho các kết quả này. Theo báo cáo “Tăng trưởng trông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương”, của Ngân hàng Thế giới, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực, trong đó phải kể đến bước phát triển ấn tượng trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam. Thêm vào đó, các đoàn Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật đạt kết quả tốt. Năm 2017, các đoàn của Việt Nam đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 31 huy chương và 3 bằng khen. Trong đó, có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 4 huy chương đồng. Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ về số lượng dự án được giải. Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Thực sự giáo dục phổ thông có sự thay đổi, làm cho môi trường nhà trường không chỉ truyền thụ kiến thức mà trở nên sát thực tế hơn, năng lực của học sinh được phát triển hơn. Từ những gì các em được học, khi tốt nghiệp học sinh sẽ thích nghi tốt với xã hội đầy biến động, có thể tự chủ, tự lập được”.

Chi Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/5-nam-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-di-dung-triet-ly-vi-su-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh-325471.html