5 lý do khiến kế hoạch áp giá trần dầu Nga bất khả thi

Moscow cảnh báo sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ áp mức giá trần đối với dầu của Nga, trong khi đó các chuyên gia năng lượng hoài nghi về kế hoạch của phương Tây.

Moscow cảnh báo sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ áp mức giá trần đối với dầu của Nga. Ảnh: RT

Moscow cảnh báo sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ áp mức giá trần đối với dầu của Nga. Ảnh: RT

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét mức trần đối với dầu được vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 65-70 USD/thùng, dù các cuộc bàn thảo của Liên minh châu Âu (EU) về việc đưa ra mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga đang rơi vào bế tắc.

Theo Reuters, ngày 22/11, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết EU đang tham khảo ý kiến các thành viên về mức giá và phương Tây sẽ thực hiện các bước áp giá trần ngay sau khi quy trình của EU hoàn tất.

Theo kế hoạch, giới hạn giá sẽ được áp dụng từ ngày 5/12/2022 đối với dầu mỏ và áp dụng từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu.

Trước đó, tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nhóm G7, gồm Anh, Đức, Italia, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản, đã nhất trí áp mức giá trần đối với dầu mỏ Nga và sẽ xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng sự ổn định của thị trường.

Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không cung cấp dầu thô hoặc các sản phẩm dầu cho các quốc gia áp dụng biện pháp giới hạn giá.

Trong phản ứng mới nhất, Tass đưa tin, ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Điện Kremlin dẫn phát biểu của Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani hôm 24/11 nêu rõ: “Đây là vấn đề liên quan đến nỗ lực của một số nước phương Tây nhằm áp đặt các hạn chế đối với giá dầu thô từ Nga. Những hành động như vậy trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ áp đặt mức giá trần đối với dầu Nga.

Theo đài Sputnik, các nhà phân tích và chuyên gia năng lượng quốc tế cũng bày tỏ hoài nghi khi dẫn ra 5 lý do khiến kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga của phương Tây khó có thể được thực hiện.

Theo các chuyên gia, lý do đầu tiên là vào ngày 15/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã khẳng định biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới. Bộ trưởng Indrawati lý giải rằng giá dầu tăng cao là do cung cầu trên thị trường mất cân bằng.

Thứ hai, một số nhà phân tích thị trường nhận định, nhằm đáp trả biện pháp áp giá trần của phương Tây, Nga có thể cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, điều này sẽ gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Và kết quả là nhóm G7, vốn đang tìm cách giới hạn dầu của Nga ở mức 65-70 USD/thùng, cuối cùng sẽ phải mua dầu mỏ với mức giá “ngất ngưởng” 100 USD/thùng.

Thứ ba, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã chỉ trích kế hoạch áp giới hạn giá dầu Nga của phương Tây tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông và châu Phi do Viện Milken tổ chức đầu tháng này. Theo ông Mnuchin, sáng kiến này "hết sức vô lý và không khả thi”. Ông lưu ý thêm, trên thực tế G7 không có đòn bẩy để thuyết phục Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), tăng mạnh sản lượng để bù đắp nguồn cung dầu mỏ thiếu hụt từ Nga. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không thành công trong nỗ lực thuyết phục Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman bơm thêm dầu ra thị trường.

Thứ tư, biện pháp áp giá trần dầu mỏ Nga của phương Tây khó có khả năng phát huy hiệu quả trên quy mô toàn cầu khi nhiều nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới vẫn đang mua dầu thô của Moscow bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc chưa sẵn sàng ủng hộ kế hoạch trên của G7.

Thứ năm, theo kế hoạch, các công ty cung cấp dịch vụ (gồm bảo hiểm, vận chuyển...) được phép tham gia vào các giao dịch nhập khẩu dầu Nga cho các thành viên G7, miễn là giao dịch đó nằm dưới mức giá trần. Tuy nhiên, trước khi G7 thông báo kế hoạch này, Nga đã trang bị riêng đội tàu vận chuyển và các công ty bảo hiểm để giao dầu thô cho khách hàng.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/5-ly-do-khien-ke-hoach-ap-gia-tran-dau-nga-bat-kha-thi.html