5 lưu ý khi tập luyện trong trời rét

Với nhiệt độ thấp trong mùa đông, người tập ngoài bị thử thách sự quyết tâm còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Mùa đông với nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C trong một số thời điểm luôn là thách thức không nhỏ với những người tập luyện thể dục thể thao. Ngoài thách thức tính kiên trì và sự quyết tâm, việc vận động cường độ cao trong điều kiện nhiệt độ cơ thể xuống thấp cũng là nguy cơ lớn mà người tập phải đối mặt.

Theo huấn luyện viên Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội), trong những ngày lạnh, các vận động viên thể thao chuyên nghiệp có cường độ vận động dày cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc nhất định để gia tăng hiệu suất và giảm nguy cơ chấn thương. Do đó, người tập thông thường cũng không phải ngoại lệ.

Khởi động kỹ

Không chỉ những ngày lạnh, việc khởi động nhằm làm nóng cơ thể trong mọi thời điểm đều giúp chúng ta làm quen với các chuyển động và cần được chú trọng. Tuy nhiên, thời tiết lạnh khiến vai trò của hành động này lớn hơn.

 Chúng ta cần lưu ý nhiều hơn khi tập luyện trong thời tiết lạnh. Ảnh minh họa: Inbody USA.

Chúng ta cần lưu ý nhiều hơn khi tập luyện trong thời tiết lạnh. Ảnh minh họa: Inbody USA.

"Trong điều kiện lạnh, máu của chúng ta có xu hướng rời khỏi tứ chi và tập trung về phần thân người. Cơ chế này khiến lượng máu ở tay và chân ít hơn, gây cảm giác cứng, tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện", Thanh Tùng nói.

Do đó, chúng ta buộc phải khởi động kỹ trước khi tập luyện. Bên cạnh các bài tập khởi động khớp, giãn cơ, huấn luyện viên này khuyên mọi người nên chạy bộ hoặc đạp xe nhẹ nhàng trong 10-15 nhằm làm nóng cơ thể.

Uống nước dù không cảm thấy khát

Không giống mùa hè, chúng ta ít có cảm giác khát trong quá trình tập luyện dù quá trình mất nước vẫn diễn ra. Theo Thanh Tùng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiệt độ thấp có thể làm giảm cảm giác khát tới 40%. Do đó, nguyên tắc mọi người cần đảm bảo là uống khoảng 500 ml nước trong mỗi giờ hoạt động thể chất.

Đảm bảo không bị hạ thân nhiệt

Tập thể dục trong điều kiện lạnh mang đến nguy cơ lớn khiến chúng ta bị hạ thân nhiệt. Trong một vài trường hợp, tình trạng hạ thân nhiệt đột ngột có thể khiến cơ thể mắc các bệnh liên quan đường hô hấp hoặc ảnh hưởng hiệu quả tập luyện.

Theo Thanh Tùng, mặc nhiều lớp với quần áo hút ẩm là cách bảo vệ cơ thể tốt nhất trước nhiệt độ thấp. Ngoài ra, các loại vải hút ẩm cũng rất phù hợp với người tập bởi nó giữ cơ thể khô ráo khi chúng ta bắt đầu đổ mồ hôi.

Không nghỉ quá lâu

Huấn luyện viên Tùng giải thích: "Khi trời lạnh, tốc độ giảm thân nhiệt trở nên nhanh hơn. Do đó, việc nghỉ quá lâu khiến cơ thể nhanh chóng trở về trạng thái tĩnh như lúc chưa tập, từ đó giảm hiệu quả tập luyện".

Hít thở đúng cách

Dù rất cơ bản, việc hít thở có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tập trong quá trình vận động. Cụ thể, Thanh Tùng khuyến cáo mọi người nên thở bằng mũi khi ở môi trường lạnh. Lúc này, không khí sẽ được làm ấm thông qua lỗ mũi trước khi đi vào phế quản. Trong khi đó, nếu chúng ta hít thở qua đường miệng, khí lạnh sẽ tác động trực tiếp tới phế quản và mang tới nguy cơ mắc bệnh không đáng có.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5-luu-y-khi-tap-luyen-trong-troi-ret-post1166746.html