5 lợi ích của việc cho trẻ chơi nhạc cụ

Âm nhạc có khả năng mang lại niềm vui, nâng đời sống tinh thần và giúp cuộc sống thú vị hơn. Vì vậy, nhiều phụ huynh hướng con trẻ học chơi nhạc cụ từ khi còn nhỏ.

Ngoài giá trị tinh thần, âm nhạc còn mang đến nhiều tác động tích cực cho sự phát triển của trẻ.

Rèn luyện tính kỷ luật
Giống như những môn khác, học chơi một loại nhạc cụ có thể là thử thách cho trẻ vì cần luyện tập thường xuyên để có thể thành thục. Quá trình luyện tập hàng ngày giúp rèn luyện tính kỷ luật. Khi tính kỷ luật mang lại sự thành công, trẻ sẽ có xu hướng coi trọng đức tính này hơn. Điều này cũng có thể áp dụng cho những hoạt động khác trong cuộc sống như học tập, rèn luyện thể thao hay lâu dài hơn là trong công việc sau này.

Tăng kỹ năng giao tiếp

Học nhạc cụ thường học theo nhóm, do vậy đòi hỏi mỗi người phải có được sự tương tác và giao tiếp với nhau. Điều này giúp trẻ hình thành kỹ năng làm việc nhóm, cách cộng tác với người khác.

Tại các lớp học nhạc, giảng viên thường sẽ phân chia các nhóm và mỗi người có một nhiệm vụ. Trẻ sẽ tự biết điều chỉnh suy nghĩ và hành động sao cho phù hợp với các bạn trong nhóm. Từ đó giúp bé hiểu được vai trò của cá nhân trong một tập thể.

Rèn luyện sự tự tin

Trong quá trình học chơi nhạc cụ, trẻ sẽ nhận được nhiều lời đánh giá có thể là khen hoặc chê đến từ giảng viên và các bạn cùng lớp. Điều này sẽ giúp trẻ học cách thay đổi bản thân, cố gắng học tập để có kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, việc biểu diễn trước lớp mang đến cho trẻ sự tự tin khi biểu diễn trước đám đông.

Phát triển kỹ năng vận động và cân bằng 2 bán cầu não

Điểm khác biệt giữa việc nghe nhạc và chơi nhạc là kỹ năng vận động (motor skill). Kỹ năng này sẽ được phát triển rõ ràng khi chơi nhạc. Ngoài ra, việc chơi nhạc cụ cũng giúp phát triển cân bằng cả 2 bán cầu.

Trong đó, bán cầu phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước. Bán cầu trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian.

Đối với những người chơi nhạc cụ, phần cầu nỗi giữa 2 bán cầu phát triển hơn giúp cho việc xử lý thông tin diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, người chơi nhạc thường có khả năng xử lý các tình huống phức tạp nhanh hơn.

Phát triển trí nhớ

Việc chơi một loại nhạc cụ yêu cầu vận dụng và hiểu được nhiều yếu tố cảm xúc. Đó là lý do những người chơi nhạc thường có chức năng điều hành cao hơn trong các công việc như lên kế hoạch, chiến lược hay chú trọng vào chi tiết nhỏ và khả năng phân tích.

Việc nghe nhạc và chơi nhạc cụ còn giúp trí nhớ phát triển. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, não bộ của người chơi nhạc có khả năng lưu trữ kí ức theo các “tag” như hình ảnh, âm thanh, cảm xúc và hoàn cảnh. Từ đó, các quá trình ghi nhớ và nhớ lại diễn ra nhanh hơn.

Việc chơi một loại nhạc cụ không chỉ nâng cao chỉ số IQ của trẻ mà còn giúp tăng tăng độ nhạy bén và giữ trí não luôn được tỉnh táo.

Theo zing.vn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/5-loi-ich-cua-viec-cho-tre-choi-nhac-cu-post271307.info