5 lãnh đạo Tổng cục VIII Bộ Công an xin nghỉ hưu sớm: 'Vượt qua được lợi danh bộ máy mới tinh gọn'

Việc 5 tướng lĩnh của Bộ Công an xin nghỉ hưu sớm theo đánh giá là minh chứng cho thấy, nếu quyết tâm làm thì sẽ tinh gọn được bộ máy, giảm số lượng biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

"Đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao"

Ngày 15.8, thông báo của Bộ Công an, để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) từ 7 cục được sắp xếp xuống còn 2 cục, 5 lãnh đạo Tổng cục và cục trưởng mặc dù chưa đến tuổi, nhưng với tinh thần trách nhiệm đã tự nguyện xin nghỉ công tác để tạo thuận lợi hơn cho công tác xây dựng mô hình tổ chức bộ máy mới.

Việc 5 tướng lĩnh của Bộ Công an xin nghỉ hưu sớm theo đánh giá là minh chứng cho thấy, nếu quyết tâm làm thì sẽ tinh gọn được bộ máy, giảm số lượng biên chế cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các bộ ngành TƯ.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) cho biết, rất hoan nghênh việc làm của 5 lãnh đạo Tổng cục VIII khi họ vượt qua được chuyện lợi danh để bộ máy được tinh gọn, đúng tinh thần Nghị định 01 của Chính phủ.

"Việc 5 lãnh đạo Tổng cục VIII nghỉ hưu sớm đã đề cao tinh thần của cán bộ Đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân của mình để tự nguyện nhường “ghế” cho đồng chí mình, tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội được phấn đấu, hoàn thành sứ mệnh đổi mới. Để làm được điều này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao", Tướng Thước nói.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Việt Cường)

Bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ với Lao Động, việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy không phải chuyện đơn giản vì đụng chạm đến lợi ích cá nhân, thậm chí lợi ích nhóm.

Theo bà An, Bộ Công an làm được việc này rất tốt, bởi tiền đóng thuế của dân không phải trả lương cho bộ máy cồng kềnh nữa, thay vào đó, có thể đầu tư cho các vấn đề an ninh xã hội như xây trường học, cầu cống...

Bà An cho rằng, hiện nay, nhiều nơi vẫn ngại việc sáp nhập, tinh giản biên chế, bởi điều đó đồng nghĩa với việc mất "ghế", mất chức, đụng chạm đến lợi ích cá nhân. Vì thế, nếu không giải quyết khéo léo thì từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan đơn vị.

"Không có quyết tâm không thể làm được"

Bày tỏ quan điểm về việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược (Bộ Công an) khẳng định, việc Bộ Công an quyết tâm xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, đổi mới theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, bám cơ sở" là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử của ngành.

“Không có quyết tâm không thể làm được, vì khi tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm lợi ích của hàng trăm tướng lĩnh, đại tá và rất nhiều cán bộ, công chức ngành công an. Phải có bàn tay sạch, quyết tâm sáng mới làm được. Tôi đánh giá rất cao quyết tâm đó.

Nhiều người lo ngại cách thức hoạt động của mô hình mới sau tinh gọn sẽ gây lúng túng, nhưng tôi tin “chắc chắn sẽ thành công”. Nhỏ hơn, gọn hơn, chỉ có lợi. Lãnh đạo bộ nắm việc trực tiếp, bám sát địa bàn, chỉ đạo công việc sẽ mạch lạc, nhanh chóng”, Tướng Cương nói.

Cũng theo Tướng Cương, từ trước đến nay, Bộ Công an đã có hàng chục lần có sự thay đổi, sắp xếp tổ chức bộ máy, song, thay đổi theo kiểu "chắp vá".

Việc sắp xếp lại bộ máy mà lại "đẻ" thêm cục này, cục kia thì không để làm gì. Bộ máy tổ chức cần tinh gọn thì anh lại phình to, làm mô hình cồng kềnh, rối rắm.

“Lần thay đổi này, tôi đánh giá là "cuộc cách mạng triệt để" khi giảm cán bộ, giảm đơn vị trung gian. Bộ máy thu gọn hơn cũng đặt ra yêu cầu lãnh đạo Bộ phải gồng mình làm việc nhiều hơn, tận tụy hơn.

Mô hình làm việc mới yêu cầu phải có sự thay đổi về cách làm việc so với trước đây. Phong cách làm việc mới cần phải sâu sát cơ sở, phải cụ thể hơn nên cần nhiều thời gian hơn”, ông cho hay.

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Khi được hỏi: “Khó khăn lớn nhất mà Bộ Công an có thể gặp phải khi tinh gọn bộ máy là gì?”, nguyên Viện trưởng Chiến lược khẳng định, khó khăn lớn nhất từ nội tại Bộ Công an. Nhưng, dù cho có khó khăn thế nào thì mỗi cán bộ ngành công an phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc của lực lượng lên hàng đầu.

“Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tôi cũng không làm ảnh hưởng đến các tổ chức khác. Chỉ có điều, mối quan hệ giữa Bộ Công an với các bộ, ngành khác cần được điều chỉnh lại cho phù hợp mô hình mới”, ông Cương cho hay.

Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, Bộ Công an phải xây dựng quy chế làm việc mới, phù hợp với thực tiễn.

Bộ này nên nhanh chóng thực hiện chính sách cán bộ, đưa cán bộ về phường xã, vùng sâu vùng xa, nắm chắc địa bàn, tuy nhiên, phải có cơ chế cho họ làm việc, bổ sung vật chất, tinh thần cho họ yên tâm công tác.

Cường Ngô (ghi)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/5-lanh-dao-tong-cuc-viii-bo-cong-an-xin-nghi-huu-som-vuot-qua-duoc-loi-danh-bo-may-moi-tinh-gon-625954.ldo