5 kho báu bí ẩn mà dân săn kho báu chưa thể tìm thấy sau Thế chiến thứ hai

Đây đều là những kho báu bí mật có trị giá hàng tỷ đô la nhưng đang bị chôn giấu ở nơi không ai biết được kể từ sau thế chiến thứ hai.

Trong lịch sử chiến tranh, những câu chuyện như cướp bóc xảy ra triền miên đặc biệt khi những kẻ xâm lăng đi chinh phục những vùng đất mới. Thế chiến thứ hai không phải ngoại lệ. Thậm chí cuộc chiến này còn khiến nhiều cổ vật lịch sử có giá trị và các kho báu bị biến mất và không thể tìm thấy cho tới ngày nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Warhistoryonline, các cổ vật không những mang giá trị văn hóa, nghệ thuật thời kỳ đó mà còn được làm từ các chất liệu quý hiếm như vàng, bạc, tiền tệ, đá quý. Khó có thể thống kê hết nhưng giá trị của những cổ vật bị mất tích do chiến tranh thế giới thứ hai có thể lên tới hàng ngàn tỷ đô.

Tất nhiên, nhiều quốc gia đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm và đòi lại thành công nhiều cổ vật, di tích hay kho báu nhờ cơ sở pháp lý. Thế nhưng, cũng có những thứ mãi mãi không thể tìm thấy cho đến nay. Không ai biết chúng bị mất cắp hay phá hủy, và hiển nhiên là không ai biết chúng ở đâu.

Phòng hổ phách ở Nga, nơi được mệnh danh là "Kỳ quan thế giới thứ 8"

Phòng hổ phách (Amber Room) còn được nhiều người biết đến như "Kỳ quan thế giới thứ 8". Căn phòng này đặc biệt ở chỗ bao quanh toàn bộ phòng là các tấm hổ phách tinh khiết, lá vàng, gương, các đồ chạm khắc, đèn cầy mạ vàng, đá quý.

Phòng hổ phách trước đây.

Căn phòng này ra đời dưới bàn tay của những nghệ nhân chế tạo hổ phách ở Phổ và căn phòng nằm ở gần thành phố St. Petersburg, Nga.

Tuy nhiên sau Thế chiến thứ hai, toàn bộ những cổ vật có giá trị của căn phòng đã hoàn toàn biến mất. Khi đó Hitler đã huy động 3 triệu binh sỹ và phát động cuộc chiến xâm lược Liên Xô với chiến dịch mang tên Barbarossa kể từ năm 1941.

Thời điểm cuối chiến dịch Barbarossa, quân đội Đức quốc xã được cho đã cướp hết số báu vật trong căn phòng hổ phách.

Một bản sao của phòng hổ phách đã được dựng lại trong Cung điện Catherine, Pushkin ở phía nam thành phố St Petersburg hồi năm 2003. Bên trong nội thất được trang trí giống hệt với căn phòng hổ phách ngày xưa nhưng tất cả báu vật đã không còn.

Bản sao phòng hổ phách hiện nay

Căn phòng chứa tới khoảng hơn 400kg hổ phách. Giá trị ước tính của căn phòng này là khoảng 500 triệu USD vào năm 2016.

Tàu chở vàng của Đức quốc xã

Câu chuyện về tàu vàng của Đức quốc xã xuất hiện từ ngay trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Năm 1943, khi đang ở diễn biến căng thẳng nhất của chiến tranh, Adolf Hitler đã ra lệnh khởi động một dự án bí mật có tên Project Riese. Dự án này nhằm tạo ra bảy công trình ngầm trong dãy núi Owl ở Lower Silesia, Đức.

Một trong những đường hầm chưa hoàn thành trong dự án Project Riese của Đức quốc xã

Tuy nhiên đến tháng 1/1945, cuộc chiến có sự xoay chuyển lớn và Hitler không kịp trở tay. Theo câu chuyện truyền tai nhau ở vùng Lower Silesian, một đoàn tàu chở vàng và vô số kho báu đã rời khỏi thành Breslau, nay là thành phố Wrocław của Ba Lan di chuyển tới đường hầm và hầm mỏ còn đang xây dang dở trong dãy núi Owl.

Chuyến tàu này được cho mang theo khoảng 300 tấn vàng, các kiệt tác nghệ thuật, trang sức và vũ khí. Tuy nhiên đã hơn 74 năm qua, Lower Silesia giờ đây là một phần lãnh thổ của Ba Lan và câu chuyện về đoàn tàu chở vàng của Đức quốc xã vẫn chưa thể tìm ra lời giải.

Khu vực Zone 65, gần ngã tư đường Uczniowska, Wałbrzych, nơi được cho đang chôn giấu đoàn tàu chở vàng.

Hồi tháng 8/2015, hai nhà khám phá Piotr Koper và Andreas Richter từng công bố những hình ảnh từ một hệ thống radar xuyên mặt đất cho thấy, khả năng có một chuyến tàu dài hàng trăm mét giấu dưới lòng đất có thể lên tới 99%.

Vô số thợ săn kho báu sau đó đã đổ xô tới đây để tìm kiếm nhưng cho đến nay chưa có người nào thành công. Tuy nhiên, Koper tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm. Koper mới đây đã tìm thấy 24 bức chân dung thời kỳ Phục Hưng có niên đại lên tới 500 năm ở làng Struga, thành phố Wrocław.

Pháo đài Alpine - Nơi cất giấu kho báu của Hitler

Vào cuối năm 1943, chỉ huy lực lượng SS Heinrich Himmler đã lên kế hoạch xây dựng căn cứ dự phòng cho quân đội phát xít Đức. Vị trí đồn thủ có tên là Alpenfestung (Alpine) trong tiếng Đức nằm ở vùng núi phía Nam nước Đức và giáp với nước Áo. Tuy nhiên Hitler không ủng hộ kế hoạch này.

Chỉ huy lực lượng SS Heinrich Himmler

Thế nhưng, đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, các tình báo của quân đồng minh tiết lộ, nhiều quan chức của Đức quốc xã đã sơ tán đến một khu vực kiên cố ở miền nam nước Đức.

Bộ trưởng tuyên truyền của Đức quốc xã là Joseph Goebbels đã lan truyền nhiều tin đồn về pháo đài Alpine. Động thái này nhằm đánh lạc hướng quân đội đồng minh về tình hình của chính phủ Đức quốc xã.

Pháo đài Alpine được cho là nơi chứa một kho báu khổng lồ gồm vật tư, vũ khí, trang sức như kim cương, vàng thỏi. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, những tin đồn vẫn cho rằng pháo đài Alpine là một trong những kho báu khổng lồ của Hitler.

Nhiều tin đồn khẳng định, đây là nơi cất giữ kho báu trị giá hơn 1 triệu USD. Kể từ đó tới nay những ngọn núi ở miền nam nước Đức trở thành địa điểm tìm kiếm của dân săn kho báu.

Kho vàng 6.000 tấn vàng của tướng quân phát xít Nhật Yamashita

Cũng giống như con tàu vàng của Đức quốc xã, kho vàng của tướng quân Đế quốc Nhật Tomoyuki Yamashita cũng là một trong những bí ẩn lịch sử chưa có lời giải.

Trong thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã đưa quân xâm lược khắp Châu Á, phá hủy nhiều thành phố và cướp bóc nhiều của cải có giá trị. Theo một số nhà sử học, hoàng đế Nhật Bản đã chỉ định một nhóm đặc biệt có tên gọi Kin no yuri, chuyên bảo quản các kho báu mà quân đội Nhật cướp được tại Châu Á.

Tướng quân Tomoyuki Yamashita

Theo nhiều tin đồn, tướng Tomoyuki Yamashita đã cất giấu nhiều kho báu cướp được trong các đường hầm dưới lòng đất ở Philippines trước khi đầu hàng quân đồng minh. Trước đó, Yamashita được lệnh phải đem số kho báu này về Nhật nhưng bất thành do quân đồng minh bao vây.

Năm 1988, kho vàng của Yamashita một lần nữa được nhắc đến trong vụ kiện giữa thợ săn kho báu Rogelio Roxas và cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Roxas cáo buộc Marcos có trong tay bản đồ kho báu của tướng quân Yamashita từ con trai của một cựu quân nhân Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Vào năm 1992, góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận người chồng Ferdinand Marcos đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita. Trước đó Roxas đã dẫn một đội tìm kiếm kho báu và phát hiện ra một số bằng chứng về khả năng tồn tại của kho báu.

Lần theo một số đầu mối, họ tìm thấy lưỡi lê, kiếm samurai và bộ xương của lính Nhật. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một tượng phật bằng vàng cao 1 mét và nặng 1kg. Ngoài ra, Roxas còn phát hiện một số thỏi vàng.

Theo nhiều chuyên gia lịch sử, kho báu của Yamashita vẫn là một bí ẩn. Nhưng theo các thợ săn kho báu, nó vẫn đang ở đâu đó ngoài kia. Thậm chí theo nguồn tin của nhiều điệp viên Mỹ nằm vùng tại Philippines, số vàng mà tướng Yamashita cất giữ tại nhiều hầm mỏ có thể lên tới hàng ngàn tỷ đô.

Kho báu 5.000 tỷ USD trên tàu Awa Maru

Tàu biển Awa Maru của Nhật Bản được chế tạo và vận hành bởi Nippon Yusen Kaisha. Trong thế chiến thứ hai, công ty vận tải này đã làm mất một con tàu của hải quân Nhật. Điều đáng nói là con tàu được hoán cải mục đích sử dụng thay vì để chở khách, nó được trưng dụng để chiến đấu.

Năm 1945 khi quân đội Đế quốc Nhật dần thất thế và đầu hàng đồng minh, con tàu Awa Maru có nhiệm vụ vận chuyển hàng trăm nhân viên quân sự, nhà ngoại giao và thường dân Nhật di chuyển từ Singapore trở về Nhật Bản.

Nhưng vào đêm muộn ngày 1/4 khi đang đi từ Singapore, tàu đã bị hải quân Mỹ chặn lại trên eo biển Đài Loan. Con tàu USS Queenfish của Hải quân Mỹ đã nhầm Awa Maru với một con tàu khu trục mặc dù nó chỉ đang phục vụ mục đích cứu trợ. Queenfish sau đó đã tấn công và đánh chìm Awa Maru bằng một loạt ngư lôi. Trong số 2.400 hành khách trên tàu, chỉ còn 1 người sống sót.

Trước chuyến đi, nhiều nhà quan sát cho biết con tàu chất đầy kho báu và hàng lậu từ Singapore. Nhiều tin đồn cho rằng, trên tàu cất giấu một kho báu có trị giá lên tới 5.000 tỷ USD bao gồm vàng, bạch kim và kim cương. Nhật Bản sau đó đã yêu cầu Mỹ bồi thường 52,5 triệu USD về vụ đánh chìm tàu Awa Maru nhưng không đề cập đến việc trên tàu có chứa kho báu.

Theo Tiến Thanh/VnReview

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/5-kho-bau-bi-an-ma-dan-san-kho-bau-chua-the-tim-thay-sau-the-chien-thu-hai/20200818092959031