5 hòn đảo kỳ lạ bậc nhất

Dường như mỗi hòn đảo giữa đại dương đều ẩn chứa trong mình những vẻ đẹp và những điều kỳ bí riêng. Nhưng 5 hòn đảo sau đây là những hòn đảo kỳ lạ nhất.

1. Gaiola - Hòn đảo bị nguyền rủa

Đảo Gaiola thuộc vịnh Naples, thành phố Naples, Italia với diện tích khoảng 42ha. Đảo bao gồm 2 hòn đảo nhỏ có phong cảnh tuyệt đẹp và thanh bình. Hai hòn đảo này được nối liền bởi một cây cầu chỉ khoảng vài mét. Cầu rất hẹp, trông xa như một mái vòm tự nhiên bắc qua 2 hòn đảo.

Nổi tiếng là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới lại nằm về phía Nam khu dân cư Posillipo và cách bờ biển chỉ 30m - khoảng cách người ta có thể bơi ra đảo Gaiola mà không cần dùng đến tàu thuyền, trên đảo còn có một căn biệt thự nằm đơn độc và hoàn toàn vắng bóng người. Người dân địa phương tin rằng hòn đảo bị nguyền rủa vì các chủ nhân của căn biệt thự trên đảo đều chết một cách kỳ lạ.

Cụ thể vào năm 1920, Hans Braun (người Thụy Sỹ) - chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự nguy nga trên đảo được phát hiện bị giết, xác quấn trong tấm thảm. Vợ của ông ít lâu sau cũng bị chết đuối ngoài biển. Người sở hữu tiếp theo của căn biệt thự là tỷ phú Otto Grunback (người Đức). Ông đột ngột lên cơn đau tim và qua đời ngay trong căn biệt thự.

Chủ nhân thứ ba, tỷ phú, ông trùm dược phẩm Maurice-Yves Sandoz thì tự sát không rõ lý do tại một bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ. Chủ nhân thứ tư là người Đức, ông trùm ngành công nghiệp thép của Đức, Baron Karl Paul Langheim, không mất mạng nhưng bị phá sản, lâm vào cảnh bần hàn.

Sau nhiều năm bị bỏ hoang, biệt thự trên được sang tên cho tỷ phú Gianni Agnelli (Ý). Chưa được bao lâu, con trai độc nhất của ông tự vẫn. Ngay cả cháu đích tôn của Agnelli cũng không qua nổi tuổi 33. Paul Getty (người Mỹ) là tỷ phú thứ sáu đứng ra mua đảo Gaiola. Ông an toàn nhưng cháu trai ông bị bắt cóc.

Trước khi trở thành chủ nhân thứ bảy (cũng là cuối cùng) của Gaiola, Gianpasquale Grappone là chủ tịch một công ty bảo hiểm lớn. Sau khi mua đảo, ông này bị vỡ nợ, phải vào tù. Từ đó đến nay, căn biệt thự trở nên hoang phế và không có người nào dám vào ở.

2. Đảo Bắc Sentinel - Nơi khó viếng thăm nhất

Khó ở đây không phải vì đường đi mà vì người dân trên đảo hầu như không thích tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu cố tình đến đây, rất có thể bạn sẽ “một đi không trở lại”.

Đảo Bắc Sentinel là một phần thuộc quần đảo Andaman và Nicobar ở vịnh Bengal, nằm giữa Myanmar và Indonesia, là nhà của bộ lạc người Sentinelese, bộ lạc cách biệt hoàn toàn với nền văn minh thế giới, xem những người bên ngoài hòn đảo như kẻ thù.

Không quan trọng là bạn hay thù, cho dù bạn viếng thăm hòn đảo này có mục đích hay tình cờ, thổ dân nơi đây sẽ chào đón bạn theo cùng một cách - bằng giáo và cung tên. Quà tặng thực phẩm và quần áo không quan trọng đối với họ.

Người Sentinelese sống trên hòn đảo nhỏ này gần 60.000 năm, dân số chính xác vẫn chưa xác định được. Không có nhiều thông tin về những người trong bộ tộc này; ngôn ngữ và thói quen sinh hoạt của họ vẫn là ẩn số. Khu định cư của họ ẩn trong rừng rậm, vì vậy không có manh mối nào về cách họ sinh sống. Tất cả những gì chúng ta biết về người Sentinelese là họ duy trì cuộc sống của mình bằng cách săn bắn hái lượm.

Ấn Độ sở hữu chủ quyền đối với đảo Bắc Sentinel, nhưng sau nhiều lần thất bại trong việc tạo mối quan hệ thân thiện với họ kể từ năm 1964, Chính phủ Ấn Độ cuối cùng cũng phải rời xa nơi này.

3. Tangier - Hòn đảo chuyên nói lời trái lòng

Tangier cách đất liền 20km và có khoảng 500 người. Ngôn ngữ họ sử dụng vẫn là tiếng Anh nhưng là tiếng Anh cổ, được sử dụng từ thời Elizabeth Đệ nhất (1558 – 1603). Hơn nữa, người Tangier thường cố tình kéo dài các nguyên âm nên cách phát âm của họ trở nên khó hiểu. Nhưng điều khiến các du khách nước ngoài khi đến đây luôn phải vò đầu bứt tai không phải vì cách phát âm này, mà vì sở thích nói lời trái với lòng mình của họ.

Các cư dân trên đảo Tangier ưa nói ngược, thích kiểu mỉa mai, chuộng từ lóng khiến du khách chẳng biết khi nào đang bị đá xoáy nữa... Thế nên, nếu được cư dân đảo Tangier, bang Virginia (Mỹ) khen là thông minh, thì bạn đừng vội mừng vì rất có thể là họ đang "đá đểu" bạn đấy. Còn nếu bạn được nghe câu “Anh ghét em” từ một anh chàng nào đó ở đây thì xin chúc mừng, bạn là người may mắn vì đã nhận được lời tỏ tình chân thành nhất!

4. Socotra - Đảo có vẻ đẹp siêu thực

Socotra là một quần đảo nhỏ gồm 4 hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương, trong số đó hòn đảo lớn nhất cũng được gọi là Socotra, chiếm tới 95% đất của quần đảo. Hòn đảo này rất biệt lập, đã trải qua một quá trình hình thành địa chất phức tạp, là sự kết hợp của các khối núi granit cổ, các vách đá vôi và cao nguyên đá sa thạch đỏ. Người ta còn ví hòn đảo này như là nơi để tìm kiếm người ngoài hành tinh trên trái đất.

Socotra mang một bộ sưu tập các sinh vật sống kỳ lạ và phong phú, từ những sinh vật sống tự nhiên đơn giản đến loài động vật sống hoang dã phức tạp, là nhà của cây nhựa thơm và một số loài chim quý hiếm. Socotra có hơn 800 loài thực vật và động vật không tìm thấy ở bất kỳ đâu khác trên trái đất. Một trong những loài thực vật nổi bật nhất là cây huyết rồng lạ lẫm mang hình dạng giống cây dù. Sở dĩ nó có tên như vậy là do nhựa có màu đỏ giống máu.

Nằm trong hệ thống quần đảo Ấn Độ Dương, nhưng Socotra lại phát triển hệ sinh thái hoàn toàn biệt lập. Có đến 1/3 thực vật trên hòn đảo là đặc hữu, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Ngay cả động vật trên Socotra cũng đặc biệt, đến nỗi người ta phải lấy tên đảo để gọi tên một số loài chim chỉ có tại nơi này, ví dụ như chim sáo Socotra, chim mặt trời Socotra, chim mỏ tù Socotra…

5. Fadiouth - đảo vỏ sò

Fadiouth thuộc Senegal, là một đảo nhỏ kết cấu hoàn toàn bằng vỏ sò. Đường phố, mặt tiền của những ngôi nhà, thậm chí những món nữ trang được bày bán đều được làm bằng vỏ trai, vỏ sò. Những vỏ sò rỗng được tích lũy qua nhiều năm và gắn kết với nhau bởi rễ của rừng ngập mặn, những cây lau sậy và cây bao báp khổng lồ. Vỏ sò trở thành một phần không thể thiếu trong kiến trúc, cũng như toàn bộ những gì thuộc về đảo.

Không chỉ nổi tiếng với những con đường lát vỏ trắng lạo xạo, Fadiouth còn được biết đến với nghĩa trang vỏ sò. Tại đây, những ngôi mộ đều được đắp đầy vỏ và chỉ có những đường phân cách mỏng manh bằng lá cây khô. Cuộc sống của người dân nơi đây từ khi sinh ra tới lúc chết đi dường như đều được bao bọc, che chở bởi hàng nghìn vỏ sò, vỏ trai đại dương. Những chiếc vỏ trắng trải dài hàng kilômét trong nghĩa trang khiến một nơi yên bình, thanh tịnh trở thành điểm hấp dẫn với nhiều du khách.

Trần Thắng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/5-hon-dao-ky-la-bac-nhat-508446/