5 giải pháp hóa giải tranh chấp ở Biển Đông

Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn thúc đẩy để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh trên cơ sở các chuẩn mực của quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tại "Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Trong đó, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hóa Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng phức tạp, tác động đến cuộc sống hàng triệu người.

Để vượt qua những thách thức này, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các bên cần nêu cao tinh thần đối thoại, thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển và cùng tìm các giải pháp hòa bình cho khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong đó, ông Bùi Thanh Sơn đặc biệt nhấn mạnh 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và duy trì một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác. Để làm điều này chắc rằng đầu tiên là cần củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể: minh bạch chính sách, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định có liên quan của LPQT và hành xử có trách nhiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng trên thực tế. Đi cùng với đó là sự gia tăng quan hệ hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp, quản lý biển của các quốc gia có liên quan.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Thứ hai, cần chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển. Việc xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực hành vi cho các lực lượng hoạt động trên biển, bao gồm các lực lượng hoạt động trên biển, bao gồm các lực lượng quân sự, dân sự và thực thi pháp luật trên biển cần là một ưu tiên cao, không chỉ giữa các nước ven Biển Đông mà cả các nước ngoài khu vực đang thực thi các quyền hợp pháp của mình tại Biển Đông. Đối thoại và hợp tác nhằm hướng tới bộ quy tắc ứng xử chung sẽ góp phần giảm thiểu việc gửi đi các tín hiệu sai, giảm thiểu hiểu nhầm chiến lược và nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn.

Thứ ba, cần thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều đình trệ, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cần là 1 đầu tàu hỗ trợ kinh tế thế giới phục hồi, trong đó Biển Đông cần là không gian kết nối lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực, thúc đẩy giao thương toàn cầu, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, nhất là đối với hàng hóa chiến lược. Các dự án kết nối, nhất là kết nối cảng biển, kết nối hạ tầng cần được đẩy mạnh, phù hợp với quan điểm của ASEAN về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thứ tư, cần hợp tác nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông. Hợp tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên trên biển, nghiên cứu khoa học biển và thực thi pháp luật trên biển, nhất là trong các khuôn khổ đa phương là cần thiết nhằm góp phần duy trì trật tự trên biển ở Biển Đông đồng thời duy trì việc khai thác, phát triển bền vững ở Biển Đông. Việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển càng có ý nghĩa trong thập kỷ Liên Hợp quốc về khoa học đại dương và phát triển bền vững 2021 – 2030. Việt Nam sẵn sàng cùng các nước láng giềng và các nước ngoài khu vực hợp tác cùng phát triển, sử dụng hiệu quả tài nguyên đồng thời bảo vệ môi trường biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thứ năm là không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông. Theo đó, các bên có liên quan cần tăng cường đối thoại thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, hòa giải và bao dung để thu hẹp các khác biệt, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển. Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan sử dụng khuôn khổ hợp tác song phương hoặc các cơ chế đa phương khu vực, như các cơ chế của ASEAN, bao gồm cả diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) nhằm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác. Trên cơ sở đó, Việt Nam hi vọng các bên sẽ tích cực, sáng tạo tìm ra các biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát và giải quyết hòa bình các tranh chấp hiện nay thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.

Tuệ Liên

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/5-giai-phap-hoa-giai-tranh-chap-o-bien-dong-123661.html