5 điều có thể bạn chưa biết về thị trường ôtô Trung Quốc

Thị trường ôtô Trung Quốc là nơi hội tụ những điều chưa từng có tiền lệ trong ngành công nghiệp ôtô thế giới.

Thị trường ôtô Trung Quốc với quy mô khổng lồ luôn khiến thế giới kinh ngạc trước những con số ấn tượng mà nó mang đến, đây cũng là nơi hội tụ những điều chưa từng có tiền lệ trong ngành công nghiệp ôtô thế giới.

Vậy điều gì đã làm nên một thị trường ôtô Trung Quốc sôi động như vậy? Lớn nhất, nhiều nhãn hiệu nhất, đắt nhất, rẻ nhất, đầy ắp xe điện nhất là những từ mà nhiều người dành tặng cho thị trường số một thế giới này.

Lớn nhất thế giới

Trong năm 2015, các nhà sản xuất ôtô đã bán ra 21,1 triệu xe tại Trung Quốc, tăng 7,3% so với năm 2014. Chỉ tính riêng thị phần ôtô con tại quốc gia này đã gần như lớn bằng toàn bộ ngành công nghiệp ôtô tại Australia.

 Doanh số bán ôtô của Trung Quốc trong năm 2017 vượt 24 triệu chiếc.

Doanh số bán ôtô của Trung Quốc trong năm 2017 vượt 24 triệu chiếc.

Với mức tăng trưởng bổ sung 7,8% vào tháng 3/2016 và việc giảm thuế cho ôtô có động cơ công suất nhỏ, doanh thu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo Trung Quốc nhật báo, khoảng 24,2 triệu ôtô con đã được bán vào năm 2017, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp cho Trung Quốc giữ vững ngôi vị là thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Nhiều thương hiệu, mẫu mã nhất

Người tiêu dùng Trung Quốc là những khách hàng may mắn nhất thế giới bởi họ luôn có nhiều sự lựa chọn giữa các thương hiệu và mẫu mã hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tính đến tháng 5/2016, đã có khoảng 130 thương hiệu ôtô hoạt động tại Trung Quốc. Con số thực tế có thể đã tăng lên ở thời điểm hiện tại, khi mà ngày càng có nhiều thương hiệu mới xuất hiện.

Có ba dạng thương hiệu chính để phân biệt tại Trung Quốc, gồm các thương hiệu nước ngoài như Audi, BMW, Mercedes-Benz, thương hiệu ôtô quốc gia như Geely và các thương hiệu con dưới hình thức liên doanh giữa các nhà sản xuất ôtô trong nước và ngoài nước như Venucia.

Sự đa dạng của các thương hiệu ôtô tại Trung Quốc.

Số lượng ôtô tại Trung Quốc nhiều đến mức khó tin, tính đến tháng 5/2016 đã có khoảng 952 mẫu ôtô khác nhau có sẵn trên thị trường ôtô Trung Quốc. Con số này bao gồm cả ôtô nhập khẩu và ôtô được sản xuất trong nước, nhưng chưa bao gồm các biến thể của mỗi mẫu xe. Nghĩa là hai phiên bản hatchback và sedan của một chiếc Volkswagen Polo vẫn sẽ chỉ được tính là một, đủ để hình dung sự khổng lồ của nó.

Đối với Volkswagen, hiện có 28 mẫu xe đang được bán tại thị trường Trung Quốc. Nếu kể thêm các biến thể, con số này sẽ tăng lên 40 chiếc. Trong số 28 model của Volkswagen, có 15 chiếc được sản xuất trong nước và 13 chiếc được nhập khẩu từ nước ngoài. Và trong số 15 chiếc sản xuất trong nước đã có đến 7 chiếc được phát triển đặc biệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

Nơi có xe đắt nhất hành tinh

Trái ngược với khách hàng phổ thông, giới nhà giàu Trung Quốc phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn những người bạn có chung niềm đam mê ở nửa kia bán cầu mới có thể sở hữu chiếc xe ưng ý. Tại Mỹ, một chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá bán vào khoảng 190.275 USD. Nhưng cũng cùng mẫu xe này tại Trung Quốc, giá đã đội lên thành 440.000 USD, tức 2,88 triệu nhân dân tệ và cao gấp đôi giá bán tại Mỹ.

Tuy vậy, thuế vẫn chưa phải là câu chuyện làm nên sự khác biệt. Phần lớn yếu tố còn lại đến từ thói quen mua hàng xa xỉ của người Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất ôtô khai thác triệt để cơ hội này vì họ biết rằng người Trung Quốc luôn háo hức và sẵn sàng chi một số tiền lớn để có được một chiếc xe độc quyền, hay có tốc độ nhanh.

Ferrari 488 GTB có giá bán khởi điểm từ 520.000 USD tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014, các nhà quản lý Trung Quốc đã bắt đầu nhìn vào vấn đề này và cáo buộc các công ty sản xuất ôtô là muốn trục lợi. Dù các cuộc điều tra vẫn chưa thực sự bắt đầu ở phân khúc cao cấp nhất, các thương hiệu ôtô đã rất tuân thủ để duy trì hoạt động thương mại. Thay vì giảm giá thành trực tiếp, họ sẽ giảm công suất động cơ. Bằng cách này họ cũng sẽ có thể giảm giá bán vừa đủ để làm các nhà quản lý hài lòng mà vẫn duy trì lợi nhuận.

Ví dụ, một chiếc Ferrari 488 mới có dung tích động cơ là 3.9L và giá bán khởi điểm là 520.000 USD, tức 3,38 triệu nhân dân tệ. Trong khi đó, người tiền nhiệm của 488 có dung tích động cơ là 4.5L với mức giá 590.000 USD, tức 3,88 triệu nhân dân tệ.

Nơi có xe rẻ nhất hành tinh

Khách hàng phổ thông tại Trung Quốc có thể mua một chiếc xe hạng trung với mức giá thấp hơn người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, bởi thị trường cũng có những mẫu xe rẻ nhất thế giới từ các thương hiệu ôtô trong nước.

Chiếc xe rẻ nhất tính từ thời điểm tháng 5/2016 là chiếc Jiangnan TT, một biến thể được cấp bản quyền từ chiếc Suzuki Alto thế hệ thứ hai. TT được sản xuất bởi Jiangnan Auto, một công ty con của Zotye. Chiếc TT bốn chỗ này trang bị động cơ 3 xy-lanh, sản sinh công suất 36 mã lực. Giá khởi điểm từ 3.177 USD, tức 20.800 nhân dân tệ.

Mẫu Jiangnan TT phát triển từ nguyên mẫu Suzuki Alto.

Giá thành để mua những mẫu xe bình dân có thể rất thấp vì các nhà sản xuất ôtô thường sử dụng các nền tảng và công nghệ đã lỗi thời, giúp giảm giá thành sản xuất.

Thêm vào đó với chi phí lao động, chi phí phát triển thấp, và thường được nhận các khoản hỗ trợ từ chính quyền địa phương nơi đặt bản doanh của các thương hiệu ôtô trong nước, việc sở hữu một chiếc ôtô không gây bất kỳ một trở ngại nào cho người Trung Quốc.

Tương lai của xe điện

Những mẫu xe xanh, MPV, SUV cỡ nhỏ và SUV cao cấp được dự báo sẽ là những sản phẩm đầy tiềm năng. Nhưng sự tăng trưởng lớn nhất sẽ đến từ các dòng xe sử dụng năng lượng điện (NEV), phân khúc thị trường nóng nhất ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. NEV bao gồm các mẫu xe điện và plug-in hybrid, cùng nhau nắm giữ 60% và 40% thị phần tương ứng. Vào năm 2015, doanh số bán xe của các mẫu NEV đứng ở mức 188.700 chiếc, chỉ chiếm 0,9% tổng thị phần nhưng tăng trưởng 223%.

Lý do chính đằng sau nằm ở chính phủ Trung Quốc, họ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ NEV trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và hiện đại hóa ngành công nghiệp ôtô trong nước. Tiền hỗ trợ để mua các mẫu xe NEV lên tới 90.000 nhân dân tệ khiến cho dòng xe này trở nên hấp dẫn trong mắt người Trung Quốc và thu hút ngày càng nhiều nhà sản xuất ôtô cũng như khách hàng trong nước.

Lynk & Co, thương hiệu con của tập đoàn Geely, đặt mục tiêu sản xuất xe chạy điện hoàn toàn.

Chính quyền địa phương ngày càng tạo thêm nhiều điều kiện hơn như cung cấp biển số xe miễn phí, bãi đỗ xe miễn phí. Trung Quốc đã rất nghiêm túc về việc bổ sung các trạm sạc điện công cộng. Phía được hưởng lợi sẽ là các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang ráo riết bổ sung thêm nhiều mẫu mã vào dòng sản phẩm của thương hiệu.

Đã có hơn 100 mẫu NEV được trưng bày tại triển lãm Beijing Auto Show. Trong khi đó các nhà sản xuất ôtô nước ngoài thường gặp phải trở ngại bởi các quy định trong nước buộc họ phải phát triển xe điện chung với một đối tác Trung Quốc.

Kết lại, Trung Quốc với thị trường ôtô lớn nhất thế giới đang trên đà tăng trưởng trở lại. Vây quanh là những chiếc xe đắt tiền nhất, rẻ nhất, được chính phủ hỗ trợ và mật độ xe xanh ngày càng tăng. Trung Quốc vẫn sẽ là một thị trường sôi động và đầy hứa hẹn trong tương lai.

Tý Bùi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/5-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-thi-truong-oto-trung-quoc-post882009.html