5 điều cần biết về Formula 1 Vietnam Grand Prix 2020

Cuối cùng thì người hâm mộ Việt đã tận mắt được chứng kiến tiếng gầm rú và tốc độ lên đến chóng mặt cùng những màn 'drift' kinh điển của chiếc xe đua F1 'xịn' tại Quảng trường sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong khuôn khổ sự kiện 'Khởi động Formula 1 Vietnam Grand Prix'. Sự kiện được xem là bước mở màn quan trọng nữa để đưa giải đua tốc độ hấp dẫn nhất hành tinh đến với Việt Nam vào tháng 4/2020 với rất nhiều điều thú vị cần khám phá.

1. Bao giờ diễn ra?

Tháng 11/2018, TP Hà Nội chính thức công bố Giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1), trở thành thành phố thứ 22 trên thế giới đăng cai tổ chức giải đua này. Với bản hợp đồng tổ chức được ký trong 10 năm và gia hạn vào năm thứ 8, thời gian diễn ra của F1 Việt Nam cũng được ấn định vào trung tuần tháng 4.

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, tháng 4 là thời điểm hợp lý để tổ chức vòng đua tại Việt Nam khi đây là thời điểm mà thời tiết Hà Nội rất phù hợp, không quá nóng, không quá lạnh. Và thời điểm đầu Hè, cũng thuận lợi cho các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí liên quan đến sự kiện...

Hơn thế, mùa giải F1 hàng năm hiện bắt đầu vào trung tuần tháng 3, nếu Formula 1 Vietnam Grand Prix 2020 diễn ra vào trung tuần tháng 4, khả năng sẽ là vòng đua thứ 3, sẽ có tính cạnh tranh khá cao, khi mà các đội đua bắt đầu ổn định từ nhân sự, kỹ thuật và đặc biệt là xe đua - yếu tố mang tính quyết định của môn thể thao này.

2. Có gì đặc biệt?

Với cuộc đua đầu tiên được tổ chức vào năm 1950 và trải qua hơn nửa thế kỷ, F1 đã trở thành môn thể thao khoa học, tốc độ và hấp dẫn nhất hành tinh. Đến nay, với 21 vòng đua (Grand Prix) trải rộng khắp 5 châu lục quy tụ 24 tay đua hàng đầu thế giới đại diện cho những hãng xe đình đám như Ferrari, Mercedes-Benz hay Renault cùng tạo nên những màn đấu tốc độ nghẹt thở với số kinh phí đầu tư lẫn tiền thưởng lên đến hàng tỷ USD.

Ngoài sức hút từ tốc độ, công nghệ và cả tiền bạc, F1 còn là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho các thành phố tổ chức vòng đua với những nét đặc trưng riêng biệt. Và Formula 1 Vietnam Grand Prix 2020 cũng không là ngoại lệ, khi đưa Hà Nội - Việt Nam xuất hiện trên bản đồ đường đua quốc tế.

Hơn thế, là quốc gia thứ 22 đăng cai tổ chức, F1 Việt Nam cũng mang những nét riêng thứ vị và đầy thách thức. Cụ thể, chặng đua tại Hà Nội sẽ là một trong bốn chặng diễn ra trên đường phố, bên cạnh Monaco Grand Prix, Singapore Grand Prix và Azerbaijan Grand Prix. Tuy nhiên, chỉ riêng chặng ở Hà Nội, các tay đua sẽ tranh tài cả trên đường đua được xây dựng mới và cả trên đường phố công cộng...

Với chiều dài một vòng là 5.565m, gồm 22 góc cua, theo bản thiết kế được công ty Tilke của Đức thực hiện, hệ thống đường đua tại Việt Nam, bao gồm một phần nằm trong khuôn viên của Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng, chạy qua một phần đường Lê Quang Đạo, đường Lê Đức Thọ, đoạn từ ngã tư Mễ Trì kéo dài đến giao lộ với đường Tân Mĩ... Đặc biệt, đường đua tại Hà Nội sẽ có đoạn đường thẳng dài nhất thế giới - 1.500m, hứa hẹn sẽ giúp các tay đua đạt đến tốc độ 335 km/h.

3. Bao nhiêu tiền để được xem F1

Trong khuôn khổ sự kiện “Khởi động Formula 1 Vietnam Grand Prix” vừa diễn ra, Ban tổ chức F1 tại Việt Nam cũng đã chính thức công bố cách thức phân phối và giá vé xem chặng đua vào tháng 4/2020.

Theo đó, giá vẻ hạng Phổ thông (Walkabout Ticket) sẽ có mức khởi điểm là 1.750.000 đồng (75 USD) cho cả ba ngày diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, số lượng vé có mức giá này sẽ có giới hạn - 5.565 vé (con số tương ứng với chiều dài đường đua F1 Vietnam).

Vé ở vị trí Khán đài (Grandstand Tickets), sẽ có mức giá khởi điểm từ 390 USD (khoảng 9,1 triệu đồng). Đây là loại vé mà người mua có thể xem được khu vực kỹ thuật của các đội, vé có ghế ngồi riêng, được cung cấp đồ ăn... Còn với hạng vé VIP (Hospitality Ticket), hiện Ban tổ chức F1 Việt Nam chưa đưa ra các mức giá cụ thể, cũng như chưa đưa ra các dịch vụ đi kèm. Lý do là hiện tại, đường đua còn đang trong quá trình xây dựng, nên chưa thể đưa ra các phương án phục vụ khách hàng.

Hiện hai hạng vé Phổ thông và vé Khán đài đã được bán online, mỗi người được đăng ký 2 vé, nhưng mới chỉ dừng ở mức nhận đơn hàng và thông tin cá nhân, chứ chưa xác nhận chính thức.

Nếu so sánh với mức giá chung của thế giới, vé xem F1 Việt Nam thuộc vào hàng rẻ. Ở mùa giải 2019 đang diễn ra, giá vé bình dân rẻ nhất là chặng ở Thượng Hải, Trung Quốc (70 USD) và đắt nhất là vé xem chặng Abu Dhabi (272 USD). Đắt nhất ở các chặng đua luôn là gói vé hạng Paddock Club. Tùy thuộc vào các dịch vụ đi kèm, như phục vụ đồ ăn, uống, chỗ ngồi, khách sạn, xe đưa đón... giá một gói vé VIP xem đua xe F1 của mùa giải 2019 có thể lên tới gần 7.000 USD.

4. Ngôi sao nào đến Việt Nam?

Là môn thể thao đắt đỏ và cực kỳ nguy hiểm nên dễ hiểu là số lượng đội đua cùng các tay đua F1 là không nhiều. Ở mùa giải 2019, vẫn chỉ là 10 đội đua và 20 tay đua tranh tài ở 21 chặng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12.

Vì vậy, hầu hết các ngôi sao đã và đang tỏa sáng trên đường đua tốc độ đều có cơ hội đến với Hà Nội vào năm sau, trong đó nổi bật là 2 gương mặt: Lewis Hamilton của đội Mercedes và Sebastian Vettel của Ferrari. Đây cũng là hai cái tên đáng chú ý nhất của F1 hiện nay khi Kimi Raikkonen và Fernando Alonso đã qua thời kì đỉnh cao.

Cũng phải nói thêm rằng, F1 hiện tại kém tính ganh đua hơn những mùa trước khi các tay đua trẻ đều chưa cho thấy họ có thể trở thành nhà vô địch mới. Bằng chứng là sau 19 trong 21 chặng đã đua, Hamilton áp đảo với 9 lần giành podium, Vettel có 5 lần, Daniel Ricciardo của Australia có 2 lần, Max Verstappen của Hà Lan có 2 lần và Raikkonen có 1 lần. Có lẽ, nếu muốn tìm một cuộc đổi ngôi, Formula 1 Vietnam Grand Prix 2020 là thời điểm khá hợp lý.

5. Việt Nam được gì từ F1?

F1 là cánh cửa nữa đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn thế giới và cũng thông qua F1, thế giới sẽ biết được một Việt Nam năng động, phát triển mạnh mẽ. Đó là những cái "được" không thể phủ nhận và cũng không thể đong đếm chính xác.

Thế nhưng, F1 còn là cuộc kinh doanh ở mặt bằng toàn cầu mà tại đó, lợi nhuận thu được là yếu tố mang tính quyết định. Không phủ nhận F1 đã trở thành một ngành công nghiệp, nhưng tương lai của nó vẫn đang là dấu hỏi lớn khi thu nhập đang có xu hướng giảm, thậm chí trở thành gánh nặng với quốc gia đăng cai. Đó là lý do khiến Ấn Độ, rồi Hàn Quốc và mới nhất là Malaysia đã rút lui sau vài lần tổ chức, dù 3 quốc gia này không thể nói là thiếu tiềm lực về kinh tế.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi số vốn đầu tư vào đây là khá lớn. Theo bản hợp đồng đã ký với công ty Liberty Media của Mỹ - chủ sở hữu giải đua F, mỗi năm Việt Nam sẽ phải trả 60 triệu USD để tổ chức giải đua. Ngoài ra, xây dựng đường đua sẽ tốn khoảng 1-1,5 tỷ USD nữa.

Dù không dùng tới ngân sách nhà nước, nhưng đề thu hồi vốn, tiến tới có lãi là bài toán kinh doanh không hề dễ. Theo các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần đi theo mô hình mang F1 về để quảng bá, phát triển du lịch, qua đó kích cầu phát triển kinh tế sẽ có cơ hội thành công lớn hơn là tập trung vào chuyên môn đua xe đơn thuần.

Ngọc Minh (tổng hợp)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/5-dieu-can-biet-ve-formula-1-vietnam-grand-prix-2020-103806.html