5 điểm then chốt từ thỏa thuận 'lịch sử' của EU

Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước bước tiến hội nhập lớn sau khi những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên đạt được đồng thuận về khoản ngân sách lớn chưa từng thấy cho 7 năm tới đây và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

Các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận lịch sử. (Nguồn: EPA)

Đêm của sự thống nhất

Trong đêm "lịch sử", khi 27 nhà lãnh đạo các quốc gia EU đạt đồng thuận về việc tăng gấp đôi ngân sách EU, ngoài đường phố Brussels- nơi đặt trụ sở của EU- yên tĩnh như không có gì xảy ra: vỉa hè vắng lặng, ở các quán rượu góc phố một số người vẫn đang xem bóng đá trên màn hình tivi.

Người ta vẫn ngồi uống những ly bia Bỉ tới tận đêm khuya. Họ nói chuyện với nhau rất lâu và có lẽ rất nhiều chuyện, nhưng không phải về 27 nhà lãnh đạo đang tranh luận sôi nổi về ngân sách của EU bên trong các cửa sổ tại trụ sở liên minh này. Ở trong đó, các nhà lãnh đạo đang viết tiếp lịch sử của khối, vì đó là một đêm của sự thống nhất.

Đã qua rồi những cuộc tranh cãi nảy lửa những ngày qua, khi Thủ tướng Hungary cho rằng Thủ tướng Hà Lan luôn nuôi dưỡng sự hằn thù cá nhân với ông và đất nước mình. Đã qua rồi thời kỳ của các "tối hậu thư", khi lãnh đạo nước Pháp không hài lòng và đe dọa sớm rời khỏi Hội nghị.

Đã qua rồi thời kỳ mà nước Áo ca ngợi thành công của "liên minh 5 quốc gia" chống lại Đức và Pháp như là một chiến thắng trong cuộc "Chiến tranh 30 năm" (từ năm 1618 đến 1648 tại châu Âu). Cuộc đàm phán thực sự khó khăn đã diễn ra trong 4 ngày đêm. Cuối cùng mọi việc cũng được hoàn thành.

Đó là một trong những Hội nghị thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử EU. Chưa bao giờ có nhiều lãnh đạo châu Âu ngồi lại với nhau lâu như vậy kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Họ xứng đáng nhận được sự quan tâm, chú ý hơn và những tràng pháo tay từ các quán rượu giá rẻ tại Brussels.

Nhưng ngay cả khi không có những tiếng vỗ tay cổ vũ từ công chúng, kết quả của một đêm thành công đã được đưa ra. Và đó là một gói các biện pháp toàn diện cho hiện tại và tương lai của châu Âu.

Những điểm chốt

Trước tiên, một quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ Euro trong giai đoạn hậu Covid-19 đã được thông qua như đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Trong số này, 390 tỷ Euro được giải ngân dưới dạng hỗ trợ không hoàn lại để đối phó với những thiệt hại do đại dịch gây ra. So với đề xuất ban đầu (500 tỷ Euro), khoản hỗ trợ không hoàn lại này rõ ràng ít hơn. Khoản tiền này sẽ được ưu tiên cho các bệnh viện và nhà dưỡng lão, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch trên khắp châu Âu.

Nó cũng dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề ở những khu vực mà đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều người bị mất việc làm và trở thành thất nghiệp. Khoảng 30% gói hỗ trợ sẽ được dành cho các khoản đầu tư trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển vật liệu mới, giao thông công cộng, điện khí hóa, năng lượng tái tạo. 360 tỷ Euro còn lại của quỹ phục hồi kinh tế sẽ được cấp dưới dạng khoản tín dụng.

Theo nhà ngoại giao Pháp Sebastian Maillard-Giám đốc Viện nghiên cứu Jacques-Delors Paris: "Người ta sẽ phải dán một lá cờ châu Âu nhỏ lên mỗi đồng Euro được chi tiêu để mọi người ghi nhớ, giờ đây châu Âu trả tiền cho họ". Đối với ông, đây là một đêm tuyệt vời. "Đêm nay là đêm khởi đầu cho một châu Âu đoàn kết", Maillard vui vẻ nói.

Từ trước tới nay, ngân sách của EU chiếm khoảng 1% GDP của khối. Giờ đây ngân sách này sẽ tăng gấp đôi (2%) trong giai đoạn 2021-2023 theo kế hoạch của quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số tiền mới này sẽ không được các nước thành viên trả vào ngân sách của EU như trước kia.

Thứ hai, bản thân EU phải đi vay tiền lần đầu tiên trong lịch sử liên minh. "Cho đến nay, nguyên tắc các khoản nợ chung dường như không ai có thể tưởng tượng được", nhà ngoại giao Pháp Maillard bình luận. "Giờ đây, tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đã cho thấy sự tin tưởng vào nguyên tắc này". Và bởi vì đó là một đêm lịch sử, nên đó cũng hợp lý với một sự so sánh lịch sử.

Về phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người ta so sánh việc đề xuất châu Âu vay tiền với việc giới thiệu đồng tiền chung (Euro) cho châu Âu thông qua Hiệp ước Maasstricht năm 1992. Trên nguyên tắc kinh tế, các khoản nợ chung cũng quan trọng như một đồng tiền chung, nhưng mang tính xã hội nhiều hơn, bởi vì nó tạo điều kiện cho các khoản chi tiêu xã hội chung.

Thứ ba, vì 5 nước thuộc nhóm quốc gia chủ trương tiết kiệm chi tiêu là Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan không muốn các khoản tiền được giải ngân theo hình thức hỗ trợ không hoàn lại, nên giờ đây mỗi nước sẽ được nhận một niềm an ủi là được giảm khoản đóng góp vào ngân sách EU so với trước đây, ví dụ Đan Mạch được giảm 125 triệu euro-ít nhất trong 5 nước, Hà Lan được giảm 345 triệu euro- nhiều nhất trong 5 nước.

Thứ tư là quyền phủ quyết, điều mà các quốc gia chủ trương tiết kiệm như Hà Lan luôn yêu cầu trong những ngày qua, gắn những điều kiện nhất định với việc giải ngân các khoản tiền từ quỹ hỗ trợ, cũng sẽ không còn.

Các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 như Italy hay Tây Ban Nha rất hy vọng vào quỹ cứu trợ của EU, nhưng họ không muốn việc sử dụng quỹ này phải chịu sự điều khiển của nước khác nên đã kịch liệt phản đối quyền phủ quyết này.

27 nước thành viên đã thống nhất mỗi nước đều có thể thông báo tới Hội đồng châu Âu nếu thấy rằng việc giải ngân nguồn vốn từ quỹ cứu trợ là không đúng quy định. Một quyết định sẽ được đưa ra nếu một tỷ lệ đa số 2/3 thành viên Hội đồng nhất trí.

Thứ năm, việc tuân thủ pháp luật của EU vẫn là một trở ngại cho một thỏa thuận của khối về phân bổ quỹ phục hồi kinh tế khi nhiều năm qua, Hungary và Ba Lan vẫn bị EU cáo buộc là vi phạm luật pháp của liên minh này. Các quốc gia này luôn muốn ngăn chặn các nỗ lực nhằm trói buộc việc giải ngân quỹ phục hồi kinh tế với sự tuân thủ các tiêu chuẩn của EU. Nhưng giờ đây các nước đã đạt được thỏa hiệp: Một lần nữa một đa số 2/3 trong Hội đồng châu Âu sẽ đưa ra quyết định trong trường hợp xuất hiện những tranh cãi.

"Chúng tôi đã có một thỏa thuận", các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh vui mừng thông báo sáng sớm 21/7. Mặc dù vậy, chuyên gia Maillard vẫn cảnh báo: "Có thể hình dung quỹ phục hồi sẽ giúp châu Âu về mặt kinh tế, nhưng nó sẽ gây tổn hại về chính trị nếu các nhà lãnh đạo không cùng nhau chịu trách nhiệm và nỗ lực thực hiện trong thực tế, mặc dù họ đã đạt được thỏa thuận". Khi đó, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia EU, bất chấp mọi nỗ lực của họ trong một đêm lịch sử, sẽ không nhận được bất cứ tràng pháo tay nào.

(theo zeit.de)

Vũ Tùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/5-diem-then-chot-tu-thoa-thuan-lich-su-cua-eu-119911.html