5 điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đại hội đồng LHQ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/9 sẽ có bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kể từ khi nhậm chức đầu.

Nội dung bài phát biểu dự kiến sẽ có một số điểm đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ vừa làm mất lòng Pháp, một đồng minh thân cận và lâu năm ở châu Âu, sau thỏa thuận giúp Australia sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, những lo ngại về Covid-19 và tỷ lệ tiêm phòng toàn cầu và những nghi ngờ về vai trò của Mỹ sau khi rút quân khỏi Afghanistan.

Căng thẳng với Pháp liệu có tiếp tục?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần trước đã làm mất lòng Pháp, một trong những đồng minh lâu năm nhất của Mỹ ở châu Âu, khi thông báo mối quan hệ đối tác ba bên với Anh và Australia về kế hoạch sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Thông báo này đã khiến Pháp tức giận và triệu hồi Đại sứ ở Mỹ và Australia sau khi Australia hủy bỏ hợp đồng trị giá 66 tỷ USD thuê Pháp sản xuất các tàu ngầm thông thường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Biden được cho là đã đề nghị điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức về cuộc gọi này. Trong khi đó, Tổng thống Macron cũng không tham dự trực tiếp tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này.

Một quan chức chính quyền Biden cho biết “Tổng thống muốn trao đổi về mong muốn hợp tác chặt chẽ với Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu và nói về các biện pháp cụ thể mà hai bên có thể cùng thực hiện. Nội dung chính của cuộc điện đàm sẽ nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đối tác với Pháp, tuy nhiên chính quyền Biden không có ý định rút lui khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Australia.

Tổng thống Biden từng cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2020 sẽ khôi phục lòng tin của các đồng minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ, tuy nhiên, rạn nứt trong quan hệ với Pháp sẽ là một phép thử cho nỗ lực này. Giới chức Pháp đã coi quyết định của Tổng thống Biden là điều mà người tiền nhiệm của ông Donald Trump cũng sẽ làm.

Dịch bệnh Covid-19

Tuần này sẽ là lần đầu tiên sau 2 năm các nguyên thủ thế giới lại họp trực tiếp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc do sự kiện năm ngoái bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trước khi diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, giới chức y tế New York yêu cầu các đại biểu phải có giấy xác nhận đã tiêm phòng để được vào sảnh Đại hội đồng. Tuy nhiên, chính sách này sẽ bị Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thách thức khi từng công khai phản đối tiêm vaccine và từng mắc Covid-19 hồi tháng 07/2020.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết giới chức Mỹ đang thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo sự an toàn của Tổng thống Biden khi tiếp xúc với lãnh đạo các nước khác, những người có thể chưa tiêm phòng hoặc mắc Covid-19, tuy nhiên, chương trình nghị sự của Tổng thống Biden vẫn chưa có gì thay đổi.

Tổng thống Biden dự kiến sẽ chọn vấn đề ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19 là chủ đề chính của các cuộc thảo luận năm nay. Ông Biden sẽ chủ trì một cuộc thảo luận trực tuyến với lãnh đạo thế giới về Covid-19 và có thể sẽ đưa ra các cam kết mới nhằm hỗ trợ vaccine cho các nước khác. Cuộc thảo luận này diễn ra trong bối cảnh một số lãnh đạo nước ngoài và tổ chức toàn cầu kêu gọi Mỹ tạm ngừng tiến hành tiêm bổ sung trong bối cảnh một số nước đang thiếu vaccine trầm trọng.

Đây cũng sẽ là dịp Mỹ công bố quyết định nới lỏng các hạn chế đối với khách du lịch quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ tới Mỹ từ tháng 11 tới. Người nước ngoài vào Mỹ sẽ phải có giấy xác nhận đã tiêm phòng trước khi lên máy bay tới Mỹ và cung cấp bằng chứng đã xét nghiệm âm tính 72 giờ trước chuyến bay.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh việc Mỹ nối lại các hoạt động đi lại xuyên Đại Tây Dương và coi đây là yếu tố thúc đẩy thương mại và kinh doanh giữa hai nước.

Liệu sẽ có những sáng kiến khí hậu mới?

Tổng thống Biden đã đẩy nhanh các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, trong nước bằng cách thông qua việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của mình và quốc tế thông qua can dự với các lãnh đạo thế giới bằng việc quay trở lại Hiệp định Pái chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị lãnh đạo nhóm Bộ tứ ngày 24/9 bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tập trung phần lớn vào biến đổi khí hậu cũng như Covid-19, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng. Hội nghị trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo nhóm Bộ tứ sẽ do Tổng thống Biden chủ trì ở Nhà Trắng.

Tổng thống Biden tuần trước cũng gặp trực tuyến hàng loạt nguyên thủ thế giới tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn từng được khởi xướng dưới thời Tổng thống Obama nhằm tăng cường đối thoại giữa các nền kinh tế lớn đối với vấn đề khí hậu.

Và Tổng thống Biden sẽ có thêm một cơ hội để đi đầu trong vấn đề chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được cam kết từ các lãnh đạo thế giới khác chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Các nguyên thủ thế giới sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP26) tại Glasgow ngày 31/10.

Vấn đề Afghanistan

Vai trò của Tổng thống Biden trên sân khấu quốc tế là tâm điểm sự chú ý khi đề cập tới tình hình ở Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này.

Tổng thống Biden sẽ tham dự một hội nghị về Afghanistan ngày 23/09 và các quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ cam kết đảm bảo Liên Hợp Quốc và các đối tác có thể chuyển viện trợ nhân đạo cho nước này. Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ cũng đang phối hợp với các nước khác nhằm đảm bảo Taliban tuân thủ các cam kết của mình.

Lầu Năm Góc cuối tuần trước khẳng định rằng một vụ không kích bằng máy bay không người lái ở Kabul đã sát hại 10 dân thường khi nhầm lẫn một xe dân sự thành một mối đe dọa IS-K. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Frank McKenzie đã gọi vụ tấn công là một sai lầm thảm kịch và nhấn mạnh những nạn nhân trong vụ tấn công không liên quan tới IS-K hoặc là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.

Quyết định rút quân khỏi Afghanistan và sơ tán công dân của Mỹ cũng bị một số đồng minh chỉ trích khi cho rằng Mỹ đã đơn phương hành động.

Tổng thống Biden tìm cách sắp xếp lại các ưu tiên chính sách đối ngoại

Tổng thống Biden sẽ tham dự một loạt các cuộc họp song phương nhằm thể hiện nỗ lực của Nhà Trắng trong việc củng cố các mối quan hệ đồng minh hướng tới xoay trục chính sách đối ngoại nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi các nhà lãnh đạo này tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Độ Modi, hai bên dự kiến sẽ thảo luận các bước hai nước có thể thực hiện nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn cầu cho Covid-19 cũng như hành động ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, chống khủng bố và tình hình ở Afghanistan.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutterres đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc khôi phục quan hệ và hợp tác trong lĩnh vực khí hậu cũng như đàm phán về thương mại và công nghệ. Ông Guterres cho biết “Điều đáng tiếc là hiện nay chúng ta chỉ có đối đầu. Chúng ta cần tái thiết lập một mối quan hệ thực sự hoạt động giữa hai cường quốc.”

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 20/09 cho biết Tổng thống Biden sẽ làm rõ rằng ông không muốn một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc./.

PV/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/5-diem-dang-chu-y-trong-bai-phat-bieu-cua-tong-thong-my-joe-biden-tai-dai-hoi-dong-lhq-892321.vov