5 địa chỉ nhận lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn tại Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam có 5 nơi nhận lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM.

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa nguồn tế bào gốc dồi dào có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, đã và đang được dùng để điều trị bệnh ung thư máu, thiếu máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa.

Ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM

Ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM

Ngoài ra, với công nghệ biệt hóa tế bào đang phát triển rất nhanh, tế bào gốc máu cuống rốn sẽ là nguồn tế bào gốc để từ đó giúp phân lập và biệt hóa ra những tế bào của các hệ cơ quan mong muốn, hứa hẹn việc ứng dụng sâu rộng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong tương lai.

Lưu trữ tế bào trung mô tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM với nhiệt độ -196 độ C

Trong những năm qua, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai ngân hàng máu cuống rốn. Và mới đây, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tế bào trung mô từ mô của dây rốn hoặc màng ối, đây là bước khởi đầu để tiến đến công nghệ biệt hóa tế bào theo các hệ cơ quan khác nhau, là mục đích cuối cùng của ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thuộc nhiều cơ quan khác nhau.

Để có thể triển khai nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn và biệt hóa tế bào trung mô, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM đã đầu tư phát triển nguồn lực cả về nhân lực chuyên sâu về di truyền học cho đến ngân hàng máu cuống rốn và ngân hàng tế bào trung mô.

Nuôi cấy thành công tế bào trung mô từ màng ối tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM

Nhiều người vẫn nghĩ những sản phẩm của dây rốn, bánh nhau là những sản phẩm “bỏ đi”, thậm chí được coi là “rác thải y tế”. Nhưng thực tế, trong dây rốn chứa rất nhiều tế bào gốc. Do đó, tách được tế bào gốc và lưu trữ lại là một tài nguyên vô cùng quý giá để chữa được tới khoảng 80 bệnh lý trong đó có nhiều bệnh nan y.

Khoa Di truyền học phân tử tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM

Hiện nay ở nước ta, chi phí thu thập, xử lý máu cuống rốn và lưu trữ năm đầu khoảng 25 triệu đồng. Sau đó, phí lưu trữ khoảng 2,5 triệu đồng/năm.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/5-dia-chi-nhan-luu-tru-te-bao-goc-mau-cuong-ron-tai-viet-nam-523848.html