5 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh trên tôm nuôi

Việc giám sát sức khỏe tôm hàng ngày và hiểu biết các dấu hiệu bệnh lý của tôm là khá quan trọng, nhằm sớm phát hiện và phòng ngừa bệnh đạt hiệu quả cho người nuôi.

Dưới đây là kinh nghiệm nhận biết các dấu hiệu tôm mắc bệnh trong quá trình quan sát nuôi hàng ngày.

1. Dấu hiệu bất thường

Để quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi, cần tiến hành quan sát những dấu hiệu trong ao nuôi. Nếu thấy tôm có hiện tượng tấp mé, nổi đầu, chim bắt mồi là những dấu hiệu cho thấy ao tôm đang thiếu ôxy, chất lượng nước xấu hoặc tôm đang nhiễm bệnh.

Nếu kiểm tra thấy hàm lượng ôxy và các chỉ tiêu môi trường như khí độc, pH vẫn trong giới hạn cho phép thì nên lấy mẫu tôm để kiểm tra sự hiện diện của bệnh nguy hiểm.

2. Thức ăn thừa

Sức ăn là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá sức khỏe của tôm nuôi. Nếu lượng thức ăn trong ngày còn thừa quá nhiều là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tôm trong ao đang nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện tượng tôm bỏ ăn có thể do nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường thay đổi, tôm bị stress…

Trong bất cứ trường hợp nào thì cũng cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường. Thông qua sàng ăn có thể đánh giá được tình trạng phân, nếu phân tôm dài, không bị đứt đoạn là tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

3. Quan sát ngoại hình

Có thể nhận biết dấu hiệu bệnh trên tôm một cách chính xác thông qua các đặc điểm về ngoại hình. Nếu màu sắc thân tôm, mang đổi màu, tôm bị cong thân, đục cơ, mềm vỏ (ngoài giai đoạn lột xác), phồng rộp là một trong những biểu hiện đặc trưng của tôm bị nhiễm bệnh.

4. Đường ruột tôm

Thông qua lượng thức ăn trong ruột tôm để đánh giá tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Nếu thức ăn trong ruột đầy, chứng tỏ tôm phát triển tốt; nếu đường ruột ngắn, bị đứt đoạn cho thấy tôm trong ao đang có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc lượng thức ăn không đủ theo nhu cầu của tôm.

Màu sắc đường ruột cũng đánh giá được sức khỏe của tôm nuôi. Thông thường tôm khỏe, tiêu hóa thức ăn tốt, đường ruột có màu vàng nhạt hoặc vàng sáng; nếu đường ruột màu đỏ, hồng chứng tỏ trong ao nuôi có tôm mang bệnh; đường ruột có màu tái, trắng đục là đường ruột của tôm bị rỗng, không có thức ăn chứng tỏ tôm đang nhiễm bệnh, cần tìm nguyên nhân gây bệnh.

5. Thời gian đông máu tôm

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm. Để kiểm tra thời gian đông máu, lấy vài giọt máu tôm bằng kim tiêm và trải lên lam kính sau đó tính thời gian đông máu tôm.

Với tôm khỏe, thời gian đông máu khoảng 10 - 30 giây; nếu thời gian đông máu quá 30 giây có thể cơ thể tôm đang nhiễm vi khuẩn.

* Các dấu hiệu chẩn đoán bệnh trên tôm nuôi

1. Dấu hiệu bên ngoài cơ thể:

- Tôm chuyển màu hơi xanh da trời (có thể do nhiễm MBV)

- Thân hoặc các phụ bộ có màu đỏ (bệnh đỏ thân do virus GAV và bội nhiễm các virus khác hoặc do vi khuẩn)

- Vỏ tôm bị mềm (bệnh mềm vỏ)

- Vỏ tôm có màu hơi xanh lá cây và bị nhớt (có thể do nhiễm ký sinh trùng Protozoa)

- Thân tôm có màu trắng đục cơ (bệnh bông vải)

- Bên trong đầu hơi vàng và có mùi hôi khi bóc ra (bệnh virus đầu vàng)

- Vỏ có những đốm màu trắng (virus đốm trắng, hoặc virus IHHNV hoặc vi khuẩn)

- Các đốm đen trên vỏ (bệnh vi khuẩn).

2. Dấu hiệu bên trong cơ thể:

- Mang có màu đen hoặc nâu (bệnh đen mang)

- Mang có các sợi nấm (bệnh nấm)

- Mang có màu hơi xanh lá cây (nhiễm ký sinh trùng Protozoa)

- Đường ruột trống rỗng, không có thức ăn (nhiễm vi khuẩn Vibrio)

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/5-dau-hieu-nhan-biet-som-benh-tren-tom-nuoi-197449.html