5 cuộc cách mạng công nghệ trên ôtô

Trong hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, ôtô nhiều lần được nâng cấp những công nghệ và tính năng mới nhằm cải thiện khả năng vận hành, tính tiện nghi cho người dùng.

Ngày nay, đèn chiếu sáng LED, kết nối Bluetooth hay lẫy chuyển số thể thao đã không còn xa lạ trên ôtô. Dù vậy, những tính năng vừa kể từng là trang bị đắt đỏ và chỉ có mặt trên các dòng xe cao cấp.

Dưới đây là danh sách 9 lần các nhà sản xuất tạo ra bước đột phá về mặt tiện nghi cũng như công nghệ vận hành đối với ôtô thương mại theo lựa chọn của chuyên trang Carbuzz.

Động cơ tăng áp kết hợp siêu nạp

Tăng áp (turbocharge) và siêu nạp (supercharge) là 2 công nghệ được sử dụng để cải thiện hiệu năng cho động cơ đốt trong. Tuy vậy, mỗi loại vẫn có nhược điểm riêng, với tăng áp là độ trễ chân ga ở vòng tua thấp trong khi siêu nạp hạn chế ở kích thước và kết cấu phức tạp.

Nhằm phát huy tốt nhất ưu điểm của tăng áp và siêu nạp, Lancia đã kết hợp cả 2 và thành công với động cơ tăng nạp (twincharger) trang bị trên mẫu xe đua việt dã Delta S4 Group B.

Từ đó, biến thể Lancia Delta S4 Stradale được sản xuất với số lượng chưa đến 100 chiếc vào giữa thập niên 1980 và trở thành mẫu ôtô thương mại đầu tiên có động cơ tăng áp kết hợp siêu nạp.

Delta S4 Stradale được Lancia trang bị khối động cơ I4 dung tích 1.8L vừa có tăng áp và siêu nạp. Ảnh: Cymon Taylor.

Delta S4 Stradale được Lancia trang bị khối động cơ I4 dung tích 1.8L vừa có tăng áp và siêu nạp. Ảnh: Cymon Taylor.

Delta S4 Stradale có thể xem là một chiếc xe đua đường phố thực thụ với công suất 247 mã lực, tương đương mẫu Ferrari 308 đình đám đương thời, đi cùng với đó là hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian có 3 vi sai.

Ngày nay, hầu hết hãng xe vẫn chọn cách phát triển riêng biệt động cơ tăng áp hoặc siêu nạp. Thương hiệu hiếm hoi đang có sản phẩm thương mại dùng động cơ twincharger là Volvo.

Hộp số tự động 6 cấp

Trước thế kỷ 21, các dòng ôtô du lịch cao cấp cũng chỉ có hộp số 5 cấp. Đến năm 2001, BMW 7-Series thế hệ thứ 4 gây chú ý lớn khi ra mắt với hộp số tự động 6 cấp đầu tiên trên thế giới.

Trang bị này đến từ sự hợp tác giữa BMW và các chuyên gia truyền động của Zahnradfabrik Friedrichshafen, công ty công nghệ ôtô thường được biết đến với tên gọi ZF. Ngoài hộp số mới, các model BMW 7-Series đời 2001 còn đi tiên phong khi có phanh tay điện tử.

BMW 7-Series thế hệ thứ 4 có nhiều tính năng nổi bật như hệ thống iDrive, chìa khóa thông minh... Ảnh: BMW.

Sau khi 7-Series đời mới trình làng được 2 năm, Mercedes-Benz tung ra hộp số tự động 7 cấp lên loạt xe mới là E 500, S 430, S 500, CL 500 và SL 500. Điểm kỳ lạ là hộp số 7G-Tronic của Mercedes khi đó có 2 cấp số lùi với tỷ số truyền.

Sau khoảng 2 thập kỷ kể từ cú hích của BMW, hộp số tự động 6 cấp đã trở nên phổ biến, thậm chí các dòng hộp phức tạp hơn như tự động ly hợp kép 7 cấp hay tự động 10 cấp cũng có thể dễ dàng bắt gặp ở các dòng xe phổ thông.

Lẫy chuyển số thể thao

Năm 1989, Ferrari tạo ra bước đột phá ở giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) bằng hệ thống hỗ trợ sang số trên vô lăng bằng lẫy. Tính năng này mang đến cho đội đua Italy nhiều chiến thắng khi tay đua có thể sang số nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Dù vậy, phải mất đến 8 năm Ferrari mới đưa lẫy chuyển số thể thao sang xe thương mại trên mẫu F355 F1 Berlinetta đời 1997.

Ferrari F355 F1 Berlinetta thừa hưởng tính năng lẫy chuyển số từ xe đua F1. Ảnh: Ferrari.

Trong tổng số gần 4.900 chiếc Ferrari F355 F1 Berlinetta được sản xuất, có khoảng 3.830 khách hàng đã chọn trang bị hộp số tự động cùng lẫy chuyển số thể thao thay vì cấu hình số sàn, cho thấy tính năng này rất được yêu thích.

Cũng như hộp số tự động 6 cấp, từng bước lẫy chuyển số trên vô-lăng được “bình dân hóa” và xuất hiện ở hầu hết loại ôtô hiện có trên thị trường, từ sedan, SUV cho đến bán tải chứ không chỉ riêng xe thể thao hay siêu xe.

Hệ thống đèn Full-LED

Đèn LED từng là trang bị cao cấp trên ôtô cách đây vài thập kỷ. Mẫu xe đầu tiên có cụm đèn hậu LED toàn phần là chiếc coupe đắt tiền Maserati 3200 GT ra mắt vào năm 1998. Tuy vậy, mẫu xe của Maserati không được nhiều người biết đến do doanh số ít ỏi và điểm nhấn ở hệ thống đèn hậu cũng không quá ấn tượng.

Audi R8 có hệ thống đèn chiếu sáng Full-LED khi ra mắt vào năm 2007. Ảnh: Audi.

Đến năm 2007, chiếc ôtô đầu tiên có hệ thống đèn trước Full-LED mới xuất hiện và gây ấn tượng mạnh với giới điệu mộ là Audi R8. Đèn chiếu sáng xa/gần, đèn định vị và đèn báo rẽ của mẫu coupe này đều dùng bóng LED.

Sau đó, thế hệ Audi R8 thứ 2 ra mắt năm 2015 tiếp tục đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng laser. Trong khi đó, dòng ôtô đầu tiên có hệ thống đèn ngoại thất và nội thất hoàn toàn bằng LED là Mercedes-Benz S-Class đời 2014.

Ngày nay, các hãng xe cũng đã hào phóng hơn trong việc trang bị cho ôtô đèn LED ở cả trước, sau và bên trong cabin. Ngoài ra, người dùng cũng có thể dễ dàng nâng cấp đèn LED cho xế hộp của mình tùy theo sở thích và nhu cầu sử dụng.

Hệ thống giải trí hỗ trợ kết nối Bluetooth

Một trong những hạng mục được nhiều nhà sản xuất ôtô chú trọng phát triển để thu hút người dùng là hệ thống giải trí. Cuộc đua về mặt tiện nghi này nở rộ vào đầu thế kỷ 21 khi các thiết bị kết nối di động ngày càng phổ biến hơn.

Bảng giá xe Audi tháng 2/2022

Năm 2001, Mazda giới thiệu chiếc ôtô đầu tiên được trang bị tiêu chuẩn máy nghe nhạc MP3 kể từ khi xuất xưởng là Protege. Năm 2004, BMW tung ra hệ thống giải trí cao cấp hơn khi tích hợp cho các dòng xe ra mắt lúc đó iPod.

Chrysler 300 có chức năng kết nối Bluetooth với điện thoại di động vào đầu những năm 2000. Ảnh: Edmunds.

Dù vậy, điểm nhấn đáng kể nhất thuộc về Chrysler 300 khi dòng sedan này được hãng xe Mỹ thử nghiệm khả năng kết nối Bluetooth rảnh tay cho điện thoại di động, từng bước đưa tiện ích này trở nên phổ biến hơn đến người dùng ôtô trên thế giới từ những năm 2000.

Theo Hoàng Phong/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/5-cuoc-cach-mang-cong-nghe-tren-oto/20220215124042787