5 công trình của PVN đoạt giải thưởng VIFOTEC

Trong danh sách các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019, ngành dầu khí có tới 5 công trình đạt giải

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã công bố các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. Ngành Dầu khí có 5 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải.

NM Lọc hóa dầu Dung Quất, một trong các đơn vị của PVN có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

NM Lọc hóa dầu Dung Quất, một trong các đơn vị của PVN có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Năm 2019 giải thưởng VIFOTEC đã có 93 công trình được gửi về tham dự cuộc thi. Trong đó, Ban Tổ chức giải thưởng đã xem xét và trao giải cho 41 công trình thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí - tự động hóa; Công nghệ vật liệu; Công nghệ sinh học; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

5 công trình của ngành Dầu khí được trao giải trong đợt này gồm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc thay thế cần nâng hạ của cẩu trên các giàn khoan biển tự nâng” của tác giả Nguyễn Sỹ Anh (chủ biên) và các cộng sự Xí nghiệp điều hành khoan, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Nhì lĩnh vực Cơ khí - tự động hóa.

Trong lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, công trình “Giải pháp tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet A1” của Thạc sỹ Đặng Ngọc Đình Diệp và các cộng sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Nhì.

Lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có 3 công trình của BSR đạt giải Khuyến khích gồm: Công trình “Tối ưu hóa phương pháp xử lý Hydro xung cấp cho phân xưởng PP Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” của tác giả Trương Đức Hanh và cộng sự; công trình “Tối ưu hóa hao hụt phân xưởng PP bằng thu hồi dòng OFF Gas” của tác giả Ngô Kim Phụng và cộng sự; và công trình “Giải pháp sử dụng nguồn nước công nghệ (Process) tại bình tách D-1106 tách muối (Desalter) và đường đỉnh của tháp chưng cất T-1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU” của tác giả Nguyễn Nhanh và cộng sự.

Trước đó, 3 công trình của ngành Dầu khí được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2020 gồm:

- Công trình “Nghiên cứu và áp dụng hệ dung dịch ức chế sét mới KGAC PLUS M1 với nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ dung dịch KGAC và KGAC PLUS đang áp dụng thành công tại Vietsovpetro” của nhóm tác giả: Vũ Văn Hưng, Hoàng Hồng Lĩnh và các cộng sự: Bùi Văn Thơm, Mai Duy Khánh, Phạm Đình Lơ, Nghiêm Xuân Việt thuộc Ban Dung dịch - Xí nghiệp Khoan và Sửa chữa giếng thuộc LD Việt - Nga Vietsovpetro.

- Công trình “Sử dụng hỗn hợp axit hòa trộn với khí gaslift (bọt khí gaslift-axit) nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vùng cận đáy giếng cho các giếng có nhiệt độ vỉa cao, áp suất vỉa thấp và độ ngập nước cao ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro” của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Tuấn Minh đến từ Xí nghiệp Khai thác dầu khí thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

- Công trình “Hoán cải hệ thống bơm vận chuyển dầu P-2- A/B/C/D/E trên giàn CNTT-3” của nhóm tác giả: Huỳnh Minh Trung, Nguyễn Bình Long, Hoàng Giang Lam đến từ Xí nghiệp Khai thác dầu khí, Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro.

Trần Thị Sánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/5-cong-trinh-cua-pvn-doat-giai-thuong-vifotec-3421047/