5 chiến thuật đang trở thành xu thế ở World Cup

Tờ Athletic mới đây đã chia sẻ bài viết khá thú vị liên quan đến đề tài chiến thuật ở sân cho World Cup. Dưới đây là những chiến thuật đang trở thành trào lưu ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

# Sự trở lại và trỗi dậy của vị trí “số 10”

Năm 2019, tiền vệ Juan Mata từng cho rằng, mẫu cầu thủ số 10 có thể không biến mất mà chỉ chuyển sang một dạng khác. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh một số đội lại bắt đầu đề cao vai trò của những “số 10”. Đơn cử như ở ĐT Anh, HLV Gareth Southgate đã cho gọi James Maddison là tiền vệ của Leicester City thuộc mẫu “số 10” cổ điển.

Tương tự là trường hợp của Neymar ở ĐT Brazil, hay cặp đôi Daichi Kamada và Takumi Minamino ở ĐT Nhật Bản. Ngoài ra còn có hàng loạt ví dụ khác như Jamal Musiala, Thomas Mueller (Đức), Christian Eriksen (Đan Mạch), Dusan Tadic (Serbia), Cody Gakpo (Hà Lan), Davies, Junior Hoilett (Canada), De Bruyne và Eden Hazard (Bỉ).

# Tận dụng các tình huống cố định

World Cup 2018 từng chứng kiến kỷ lục về số bàn thắng được ghi từ những tình huống cố định (chiếm 35%). Kể từ đó tới nay, việc các đội tận dụng cực kỳ hiệu quả những tình huống đá phạt để chuyển thành bàn thắng đã trở thành xu hướng mới. Bằng chứng là 3/4 giải đấu lớn tiếp theo (Asian Cup 2019, EURO 2020, Gold Cup 2021 và Copa America 2021) có tỷ lệ bàn thắng từ tình huống cố định cao hơn 25%. Riêng ở World Cup 2022, bàn thắng đầu tiên của giải đấu cũng được Valencia thực hiện trên chấm đá 11m.

# Pressing tầm cao

Để chơi pressing tầm cao, các đội bóng cần có những cầu thủ tích cực di chuyển, giỏi tranh chấp khiến đối phương gặp khó khăn trong việc triển khai bóng lên phía trên. Lối chơi này đòi hỏi rất nhiều thể lực và sự phối hợp ăn ý giữa các cầu thủ ở phía trên.

Trong trận mở màn World Cup 2022, đội chủ nhà Qatar từng bị bóp nghẹt bởi Ecuador. Tuy nhiên, cũng với lối chơi như vậy, các cầu thủ Senegal dù đã gây ra không ít khó khăn cho Hà Lan rút cục vẫn để thua đối phương cực giỏi trong việc giữ khoảng cách và ban bật hợp lý.

# Giấu dao găm trong tay áo

World Cup 2022 là kỳ World Cup đầu tiên các HLV có thể dùng đến 5 quyền thay người mỗi trận. Đến vòng knock-out, họ còn được quyền điều chỉnh nhân sự thêm 1 lần nữa nếu các đội bước vào hiệp phụ. Được thay đổi nhân sự nhiều như vậy cho phép các vị thuyền trưởng thoải mái “ém” những quân bài quan trọng đến thời khắc quyết định để bất ngờ ra đòn kết liễu đối phương. Tất nhiên, để làm được như vậy thì họ phải chọn được những cầu thủ thích hợp.

Đơn cử như Kaoru Mitoma, tiền vệ người Nhật Bản đã chọc thủng lưới Australia tới 2 lần trong 7 phút sau khi vào sân từ ghế dự bị ở trận đấu diễn ra hồi tháng Ba năm nay. Ở ĐT Pháp, tiền đạo Olivier Giroud cũng là cái tên rất đáng chú ý. Tiền đạo cao lớn này có khả năng chớp thời cơ rất tốt và hiện xếp thứ 2 trong danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại Premier League khi vào sân từ ghế dự bị (20 bàn).

# Tiền vệ lui về hỗ trợ trung vệ

Với những đội chơi với hàng thủ 4 người, khi 2 hậu vệ biên dâng cao thì việc tiền vệ trung tâm lui xuống giữa 2 trung vệ để chuyển đổi trạng thái sang hàng thủ 3 người thường rất hiệu quả. Điều này cho phép những đợt lên bóng trở nên biến hóa hơn, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro khi một đội bóng để cho đối phương phản đòn. Ở các đội như Mỹ hay Uruguay, các tiền vệ như Tyler Adams hay Federico Valverde thường xuyên lựa chọn giải pháp này để giúp đội nhà giảm bớt áp lực.

Theo bongdaplus

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/bong-da/5-chien-thuat-dang-tro-thanh-xu-the-o-world-cup/240777.htm