5 cách đối phó với những câu hỏi phỏng vấn bất ngờ

Trước buổi phỏng vấn là giai đoạn mà các ứng viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ khâu tài liệu, chuyên môn cho đến tinh thần. Đây là bước cần thiết để ứng viên tự tin và chủ động khi bước vào vòng phỏng vấn. Nhưng, mặc dù đã làm tốt bước này, ứng viên vẫn có thể lúng túng, thiếu tự tin khi phải đối mặt với những câu hỏi phỏng vấn mang tính chất thử thách, cần óc phán đoán, hay những tình huống khó xử khi được yêu cầu trả lời câu hỏi mà bản thân chưa bao giờ nghĩ tới.

Bài viết dưới đây sẽ không đi vào nêu ra những câu hỏi ấy mà sẽ khái quát 5 cách giúp bạn đối phó với những câu hỏi phỏng vấn bất ngờ, hãy cùng tham khảo nhé.

Giữ bình tĩnh

Đây là yêu cầu tiên quyết và tối thiểu khi bạn tiếp nhận câu hỏi tuy không quá khó nhưng lại tương đối nhạy cảm bắt buộc bạn phải bình tĩnh. Điều bạn cần làm lúc này là điều hòa hơi thở, bạn có thể hít một hơi thật sâu và thở ra từ từ để lấy lại bình tĩnh. Việc giữ bình tĩnh thể hiện thông qua ánh mắt, môi và ngôn ngữ cơ thể còn lại bao gồm tay chân… tránh các cử động tay chân không cần thiết đồng thời tránh đảo mắt quá nhiều gây ra hiệu ứng kém chân thật cho câu trả lời. Bên cạnh đó bạn cần làm chủ nhịp độ trả lời, đảm bảo không nhanh hơn dòng suy nghĩ và âm vực cũng nên được thể hiện một cách vừa phải.

Đánh giá mục đích nhà tuyển dụng

Đây không phải là một bước đơn giản. Để đánh giá mục đích nhà tuyển dụng trong câu hỏi họ vừa đưa ra, bạn cần có khả năng nhất định trong việc phân tích và xâu chuỗi tình huống. Dựa vào nội dung xuyên suốt cuộc trò chuyện trước đó, cùng với để ý những từ khóa trong câu hỏi, bạn sẽ đánh giá được phần nào mục đích của nhà tuyển dụng. Họ có thể muốn tìm hiểu thông tin về bạn, trao đổi quan điểm, thử thách kiến thức, đánh giá thái độ,… Dù với bất kỳ mục đích nào đi nữa, chỉ cần bạn nắm được nhu cầu của nhà tuyển dụng thì câu trả lời sẽ đúng trọng tâm và tạo được cho người đối diện những ấn tượng tốt cũng như hiểu nhau hơn.

Xin nhà tuyển dụng một ít thời gian để suy nghĩ

Bạn không cần phải lập tức trả lời mà hãy thận trọng nghe câu hỏi, xin một ít thời gian để phân tích, xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Việc bạn xin khoảng 1 đến 2 phút để suy nghĩ không chỉ giúp bạn có cơ hội lấy lại bình tĩnh mà còn suy nghĩ cẩn thận để tránh những cái “bẫy” được đưa ra trong câu hỏi. Bênh cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng sẽ có căn cứ để đánh giá bạn là người biết suy nghĩ cẩn thận.

Hỏi ngược lại người phỏng vấn

Như đã nói ở nhiều bài viết trước đây, vai trò của nhà tuyển dụng và ứng viên tìm việc trong buổi phỏng vấn là như nhau. Vì thế bạn hoàn toàn có thể đưa ra những câu hỏi ngược lại phía người đối diện mà không bị xem là tiêu cực. Nhất là khi gặp những câu hỏi khó, bên cạnh việc dành thời gian suy nghĩ bạn cũng đừng quên nghĩ đến phương án hỏi ngược lại người phỏng vấn một câu hỏi có nội dung tương tự hoặc có tính chất phản bác, đối nghịch câu hỏi họ đưa ra cho bạn. Điều này không chỉ giúp buổi phỏng vấn mang tính chuyên môn hơn và có chiều sâu mà còn là cơ hội để bạn lắng nghe một ít suy nghĩ của nhà tuyển dụng, từ đó hiểu nhau hơn và đưa ra câu trả lời xác đáng cho vấn đề đang bàn luận.

Xin phép được trả lời qua email

Với những câu hỏi khó, bạn không đảm bảo sẽ có câu trả lời chính xác ngay lập tức, hãy xin phép được trả lời qua email. Đây cũng là phương án được nhiều ứng viên lựa chọn vì việc trả lời thông qua thư điện tử sẽ phần nào làm giảm áp lực đồng thời có thêm thời gian và điều kiện nghiên cứu câu hỏi. Thế nhưng hãy cân nhắc vì có thể điểm dành cho câu trả lời đó của bạn sẽ không được đánh giá cao.

Trên đây là 5 cách đối phó với những câu hỏi phỏng vấn bất thường. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn chuẩn bị những bí quyết để xử lý những tình huống cụ thể trong buổi phỏng vấn một cách thông minh và phù hợp nhất. Chúc các bạn thành công!

Tiến Huy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/5-cach-doi-pho-voi-nhung-cau-hoi-phong-van-bat-ngo/