5 bí mật động trời trong lịch sử văn học

Đó là những điều có thể nhiều người yêu văn chương chưa hề biết tới.

Kỳ án về nhà văn best-seller JT LeRoy

Năm 1999, JT LeRoy xuất hiện trên văn đàn và gây tiếng vang với tiểu thuyết Sarah và tập truyện ngắn The Heart Is Deceitful Above All Things. Cả hai cuốn sách đều được viết dựa trên tuổi thơ bị bạo hành và lạm dụng tình dục của tác giả. Người gây ra những điều kinh khủng đó chính là mẹ của JT Leroy, một người phụ nữ nghiện thuốc phiện và làm nghề bán dâm, cùng với vô số những người đàn ông của bà.

Hai cuốn sách của JT LeRoy đều là những tác phẩm ăn khách, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên toàn thế giới. Thậm chí tập truyện ngắn còn được ký hợp đồng chuyển thể thành phim với sự tham gia của Asia Argento và cặp anh em sinh đôi Dylan và Cole Sprouse.

"Văn sĩ" JT LeRoy và câu chuyện oái oăm của văn đàn Mỹ.

"Văn sĩ" JT LeRoy và câu chuyện oái oăm của văn đàn Mỹ.

JT LeRoy xuất hiện trước công chúng với mái tóc để dài, nhuộm vàng, đeo kính râm với thái độ bẽn lẽn, ngượng nghịu. Tuy nhiên, sự thật đã được phơi bày khi báo giới phát hiện ra LeRoy chỉ là một nhân vật tưởng tượng của Laura Albert, một phụ nữ 40 tuổi là tác giả thật của các cuốn sách. Còn người xuất hiện trước công chúng thực chất chỉ là em trai người tình của Laura. Vì sự việc này Laura Albert thậm chí đã bị hãng phim kiện bồi thường hợp đồng do bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của cô đã bắt đầu được quay một phần.

Giải thích lý do nhờ người thế thân, Albert hồi còn nhỏ đã từng gọi điện cho đường dây nóng về tự tử để miêu tả lại các cảm giác tiêu cực của mình. Tuy nhiên, cô gái trẻ Laura khi ấy nhận thấy rằng mình sẽ nhận được nhiều sự thông cảm hơn nếu giả danh thành con trai, bởi lẽ các vấn đề lạm dụng tình dục khi ấy đã quá phổ biến với nữ giới. Chính những sự kiện khiến hình tượng nhà văn JT LeRoy đã được ra đời.

Cú lừa ngoạn mục A Million Little Pieces: cuốn tự truyện bản chất là hư cấu

Năm 2003, tác phẩm A Million Little Pieces của James Frey được xuất bản và ngay lập tức được coi là cuốn tự truyện đáng đọc nhất của một người nghiện thuốc. Cuốn sách đã được chọn để chia sẻ trong Câu lạc bộ sách của Oprah, bán được hơn 3.5 triệu bản và là tác phẩm bán chạy của tờ New York Times.

A Million Little Pieces - cuốn tự truyện mà bản chất là hoàn toàn hư cấu.

Tuy nhiên, khi trang web The Smocking Gun mở một cuộc điều tra về James Frey, họ nhận thấy phần lớn những gì được kể trong cuốn sách chỉ là hư cấu. Frey đã tự đặt mình vào một vụ tai nạn tàu hỏa khiến hai nữ sinh trung học thiệt mạng. Với lối viết tạo ra nhiều tình tiết xúc động, anh đã biến mình trở thành nạn nhân thứ ba của bi kịch này.

Sau khi sự việc đổ bể, James Frey phải xuất hiện một lần nữa trong chương trình của Oprah cùng với đại diện xuất bản của mình để thực hiện các yêu cầu của bà. Frey đã mất hai cuốn sách, một hợp đồng sáu chữ số với nhà xuất bản Penguin và Random House phải hoàn tiền cho bất cứ độc giả nào đã mua cuốn sách mà lầm tưởng là tự truyện có thật của James Frey.

Cuốn sách bịa đặt của Maria Monk

The Awful Disclosures of Maria Monk được xuất bản năm 1836 là cuốn hồi ký của một nữ tu mang tên Maria Monk kể về những năm tháng bị giam cầm trong một tu viện tại Montreal, Canada.

Cuốn sách miêu tả một loạt sự việc kỳ quái, ghê rợn bao gồm các lễ tế người chết, lạm dụng sức lao động và sát hại những đứa trẻ sơ sinh. Khi biết mình có thai, Maria đã trốn khỏi tu viện để cứu sống mình và cả đứa trẻ. Cuốn hồi ký này được viết sau khi cô thoát khỏi thư viện khủng khiếp ấy. Tác phẩm sau đó đã trở nên vô cùng ăn khách.

Cuốn sách The Awful Disclosures of Maria Monk hoàn toàn là một sự bịa đặt.

Thế nhưng, toàn bộ sự việc là một trò lừa bịp. Sự thật đã được William Leete Stone, một biên tập viên của tờ New York City vạch trần. Ông đã tới tu viện ở Montreal và phát hiện ra rằng câu chuyện của Maria Monk hoàn toàn là bịa đặt, nhằm bôi nhọ Thiên chúa giáo thời đó. Mất hết danh dự, Maria đã dành phần còn lại của cuộc đời mình trong cảnh nghèo đói, mất trí và chết trong tù vào năm 1849.

Nhật ký của Hitler có thật?

Năm 1983, tờ Sunday Times tuyên bố rằng họ sở hữu trong tay các cuốn nhật ký của người đàn ông bị căm ghét nhất: Adolf Hitler. Những cuốn nhật ký này được cho rằng đã ở bên cạnh Hitler trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai. Một phóng viên người Đức Gerd Heinemann đã phát hiện ra tư liệu đó khi mọi người tưởng chúng đã bị mất cùng toàn bộ tài sản của Hitler trên chiếc máy bay bị bắn rơi vào năm 1945.

Tờ Sunday Times đã bị một cú hố lớn với tư liệu những cuốn nhật ký của Adolf Hitler.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lịch sử đã chỉ ra những điểm vô lý của những cuốn nhật ký cũng như trong câu chuyện của Heinemann. Tờ Sunday Times ban đầu chắc chắn coi đây là tư liệu thật khi liên tiếp khẳng định đã xác thực những cuốn nhật ký trong suốt 2 tuần. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó dần lắng xuống và không ai còn nhắc đến nhật ký của Hitler nữa.

Những bức thư tình của Shakespeare

Vào thế kỷ thứ 18, William Ireland đã khẳng định rằng mình tìm thấy một chiếc rương cũ, trong đó có chứa những bức thư tình, các bản thảo chưa được công bố và chú thích sách thuộc về nhà viết kịch vĩ đại William Shakespeare. Ông đã cố thuyết phục các học giả hàng đầu về tính xác thực của khối tư liệu được tìm thấy. Tuy nhiên, ông đã hoàn toàn mất kiểm soát khi dựng lại một trong các vở kịch được tìm thấy mang tên Vortigern and Rowena.

Có lẽ chính sự ám ảnh về Shakespeare đã khiến William Ireland bịa ra những bức thư tình của đại văn hào.

Vở kịch sau đó bị chê bai tệ hại. Một chuyên gia văn học sau đó đã chứng minh rằng vở kịch hoàn toàn là do William Ireland viết ra, kể cả những bức thư và ghi chú được cho là của Shakespeare. Sau sự kiện này, Ireland đã chuyển tới Pháp sinh sống trong mười năm và qua đời ở tuổi 59.

Vũ Hậu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/5-bi-mat-dong-troi-trong-lich-su-van-hoc-post822049.html