5 bị cáo trong kỳ án buôn lậu gỗ trắc lĩnh án

Sau phiên Tòa xét xử sơ thẩm lần thứ tư kéo dài từ ngày 14-23/8, vụ án buôn lậu có tính chất nghiêm trọng kéo dài 7 năm đã đi đến hồi kết.

Sau một tuần xét xử, chiều 23/8, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc xảy ra tại Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

5 bị cáo tại tòa

5 bị cáo tại tòa

Theo đó, bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1958, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị tuyên phạt mức án 1 năm 16 ngày tù và Trần Thị Dung (SN 1961, cùng ngụ số 111, khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Buôn lậu”.

Đỗ Lý Nhi (SN 1972, ngụ khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), Lê Xuân Thành (SN 1962, ngụ 364 Lê Duẩn, Đông Lương, TP Đông Hà) nguyên công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo – Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cùng bị phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo; Đỗ Danh Thắng (SN 1955, ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) 6 tháng tù treo cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng nhập gỗ trắc từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) về Việt Nam. Để qua cửa khẩu, Trương Huy Liệu là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty sử dụng giấy có hình dấu Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào và chữ ký của giám đốc Khamfong Vorabouth do đối tác Lào cung cấp để làm giả hồ sơ nhập khẩu. Hồ sơ bao gồm hợp đồng mua bán, vận đơn, hóa đơn vận tải đường bộ, phiếu đóng gói hàng, lý lịch gỗ...

Ông Liệu giao cho nhân viên dùng 3 giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mà cơ quan kiểm dịch cửa khẩu Deansavanh, Lào, cấp cho những công ty khác nộp cho Trạm kiểm dịch thực vật Lao Bảo.

Để thực hiện việc thanh toán hợp đồng, các đối tượng còn làm giả phụ lục hợp đồng, 9 giấy yêu cầu chuyển tiền của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào để ký 9 lệnh chuyển tiền sang Lào, trong đó có 8 lệnh chuyển hơn 1,4 triệu USD vào tài khoản Trương Thị Thu Đông, 1 lệnh chuyển 150.000 USD vào tài khoản Boun Leut...

Hoàn thành xong giấy tờ nhập khẩu gỗ, ngày 18/12/2011, ông Liệu tiếp tục chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ, tài liệu và sử dụng bộ hồ sơ này để xuất khẩu gỗ từ Việt Nam đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các bị cáo còn có sự giúp sức tích cực của Trần Thị Dung (Giám đốc công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu). Bà Dung có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập, kinh doanh gỗ từ Lào vào Việt Nam, sau đó xuất kinh doanh sang Hongkong (Trung Quốc). Hành vi của Dung đã đồng phạm về tội “Buôn lậu” với Liệu.

Đối với các bị cáo Nhi, Thành, công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo, được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu này, nhưng đã không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Do đó, Nhi và Thành đã không phát hiện được 27 kiện hàng, gồm 867 sản phẩm gỗ trắc (1,49m3); 23,828m3 gỗ giáng hương; 224,944m3 gỗ trắc xẻ (trị giá hơn 30 tỉ đồng) mà doanh nghiệp đã không khai báo khi làm thủ tục hải quan.

Đỗ Danh Thắng, công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP Đà Nẵng được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu của công ty Ngọc Hưng.

Trong bản cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kết luận: “Hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền thuế công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Liệu được xác định là người tổ chức, thực hiện hành vi buôn lậu. Bị cáo Dung là người giúp sức cho Liệu thực hiện hành vi buôn lậu. Các bị cáo Nhi, Thắng, Thành có hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ để hai bị cáo trên thực hiện hành vi buôn lậu”.

Đối với lô gỗ của công ty Ngọc Hưng (tang vật vụ án), Cơ quan điều tra đã ra quyết định bán đấu giá tài sản. Số tiền còn lại sau khi trừ các chi phí là hơn 60,8 tỉ đồng.

Được biết, đối với vụ án này, đây là lần thứ 4, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử công khai. 3 lần trước đó, Tòa phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra vì phát sinh nhiều tình tiết mới, mâu thuẫn với các lời khai và chứng cứ trước đó.

Trước khi được mở vào sáng 14/8, phiên tòa đã nhiều lần thay đổi thời gian xét xử do bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn xin hoãn.

Sau phiên Tòa xét xử sơ thẩm lần thứ tư kéo dài từ ngày 14-23/8, vụ án buôn lậu có tính chất nghiêm trọng kéo dài 7 năm đã đi đến hồi kết./.

PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/5-bi-cao-trong-ky-an-buon-lau-go-trac-linh-an-804005.vov