5 bài học mới cho mục tiêu không khói từ đô thị các nước

Tạm bỏ qua những biện pháp chỉ mang tính xử lý tạm thời như xe buýt lọc không khí hay sơn 'ăn' ô nhiễm, nhiều TP lớn đã chứng minh công cuộc khử sạch cần đi từ gốc rễ.

Một thực tế là hơn 80% dân số đô thị trên thế giới đang hít thở không khí dưới tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Ước tính có 4,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời vào năm 2015. Đáng nói, dân số đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 40 năm tới, nghĩa là thêm 2 tỷ người nữa cần nơi để ở và các dịch vụ hay phương tiện di chuyển tại TP mà họ sinh sống. Bởi vậy nhu cầu về các TP không bị ô nhiễm, hay ít ra là có mức ô nhiễm thấp, đang rất được chính phủ và người dân các nước quan tâm.

Nhiều tháp hút khói bắt mắt mọc lên tại các TP, xe buýt lọc không khí di chuyển ngày một đông hay thậm chí là loại sơn được quảng cáo có khả năng "ăn" mọi loại độc tố... đều được xem là giải pháp chỉ mang tính tương đối, khi một lý do đơn giản được chỉ ra rằng: Có quá nhiều không khí cần phải làm sạch. Vậy đâu mới là giải pháp thiết thực?

Tại các đô thị lớn đang tồn tại ngày nay, việc phá dỡ hay cải tạo sửa chữa chắc chắn sẽ tạo ra một sự ô nhiễm còn nặng nề hơn, tuy nhiên những thay đổi nhỏ trong các phương pháp cũ lại có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho quá trình làm sạch TP. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều TP trên thế giới và được đúc kết thành 5 yếu tố dưới đây:

Cấm xăng, nới đường không phải là câu trả lời

Một chiếc xe điện sạc trên một đường phố London.

Không quá khi nói rằng giao thông đồng nghĩa với ô nhiễm không khí và nhiều quốc gia hiện đang có ý định cấm bán xe ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel sau 2 thập kỷ tới. Tuy nhiên, việc chuyển sang xe điện không có nghĩa là các TP sẽ không bị ô nhiễm. Mức độ phát thải mà các phương tiện khi đó gây ra sẽ phụ thuộc vào cách mà nguồn điện vận hành chúng được tạo ra, trong khi hệ thống phanh, lốp xe và đường sá vẫn tạo ra các hạt nhỏ trong không khí khi chúng bị hao mòn.

Việc chúng ta cần làm đơn giản là dần loại bỏ các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch - bao gồm cả xe dùng pin, điện hay hydro - bằng cách ưu tiên sử dụng các hình thức vận tải khác hay thậm chí là hạn chế chúng bằng mọi giá, kể cả việc "bỏ mặc" sự tắc nghẽn đang diễn ra hầu hết trên các tuyến đường đô thị vào giờ cao điểm. Một thực tế là tại nhiều nước phát triển, việc sử dụng xe hơi cá nhân đang suy giảm với những người có ý định di chuyển đến các trung tâm TP do "sợ" cảnh tắc đường.

Đáng tiếc là các nhà hoạch định chính sách chưa nắm bắt được tâm lý này mà lại sốt sắng xây thêm hay mở rộng các con đường - điều sẽ lại chỉ khiến việc ùn tắc càng trở nên nghiêm trọng. Các nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng việc tăng gấp đôi kích thước của một con đường cũng có nghĩa là tăng gấp đôi lưu lượng giao thông, khiến mọi vấn đề của chúng ta trở về vạch xuất phát.

Biến đường thành... công viên

Sông Cheonggyecheon ở Seoul, Hàn Quốc, đã được phục hồi sau khi phá dỡ đường cao tốc đa làn.

Một ví dụ thực tế tại Hàn Quốc đã chứng minh điều này chẳng làm phiền lòng các tài xế quá lâu. Từ năm 1973 đến năm 2003, một đường cao tốc với 4 làn xe được cho là đã gánh trọng trách nặng nề khi phải tải 170.000 lượt xe mỗi ngày tiến vào trung tâm thủ đô Seoul, tất nhiên không tránh khỏi cảnh thường xuyên bị tắc nghẽn. Thay vì xây dựng thêm làn đường, chính quyền TP đã phá hủy toàn bộ khiến đám đông ban đầu khá hỗn loạn vì hoài nghi. Nhưng kết quả ngạc nhiên là giao thông ở trung tâm thủ đô giảm hẳn, người dân dần thích nghi và nhiều người đổi hẳn sang dùng tàu điện ngầm.

Một phần sau động thái này còn là mục tiêu khôi phục lại con sông Cheonggyecheon từng bị chôn vùi dưới nhựa đường. Công viên ven sông được trả lại từ con đường cao tốc tắc nghẽn ngày xưa hiện đã là địa điểm thu hút cả người dân và khách du lịch, chuyên tổ chức lễ hội và cung cấp được cả một làn đường riêng dành cho xe đạp. Nhiều con sông bị chôn vùi tương tự cũng đã được khôi phục ở các TP như Seattle, New York hay Sheffield. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần nhìn xa hơn bằng cách mở rộng các tuyến đường đi bộ có chỉ số ô nhiễm thấp, tạo ra những khu vực không có phương tiện với các hành lang xanh tỏa xen giữa các trung tâm và khu vực kinh doanh.

Vấn đề của sưởi ấm

Hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Bất cứ nơi nào có hoạt động đốt cháy nhiên liệu rắn, nơi đó tất hẳn có vấn đề với ô nhiễm không khí. Điều này đặc biệt trầm trọng tại châu Phi và châu Á, nhưng khói gỗ cũng gây nên các vấn đề cho nhiều TP ở New Zealand, miền nam Australia hay miền tây Mỹ và Canada. Tại London, bất chấp những bài học đau thương từ thảm họa Đại Sương mù những năm 1950 khiến gần 10.000 người bỏ mạng, không khí hiện nay lại một lần nữa bị ô nhiễm bởi các nhiên liệu rắn. Tại Dublin, hoạt động đốt than và gỗ chỉ tại 12% số gia đình hiện nay đang chiếm tới 70% nguyên nhân gây ô nhiễm hạt phát thải.

Khi việc đốt gỗ đạt tới 40% lượng phát thải hạt của Montreal, chính quyền TP này đã cấm tất cả các bếp lò loại trừ những đời mới nhất. Tuy nhiên, ngay cả những lò đốt gỗ sạch nhất, đáp ứng được tiêu chuẩn Ecodesign của châu Âu, thì cũng được cho là sẽ phát ra lượng ô nhiễm hạt tương đương 6 xe tải hiện đại hoạt động trong cùng một khoảng thời gian. Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là chuyển đổi hệ thống sưởi của nhà bằng nhiên liệu không rắn như nồi hơi hoặc máy bơm nhiệt.

Sự tự ý thức và thắt chặt kiểm soát của DN

Giao hàng bằng xe đạp hay xe điện đang trở thành xu hướng của nhiều công ty.

Việc "thả lỏng" các tiêu chuẩn phát thải đối với ngành công nghiệp đang là một trong những nguồn ô nhiễm không khí chính gây nên gần 1 triệu ca tử vong sớm ở Trung Quốc vào năm 2012. Hình ảnh những ống khói của nhà máy dần trở nên quen thuộc, hay việc sưởi ấm các văn phòng và cửa hàng cũng gây nên sự ô nhiễm không khí. Các DN cũng đang bắt đầu nhận ra vấn đề của mình.

Ruth Calderwood - quản lý chất lượng không khí của Tổng công ty London nói: "Mọi người ngày càng muốn làm việc cho các công ty mà những tác động môi trường của họ luôn được đặt lên hàng đầu". Các DN gần cầu Tháp London ở Anh đã cùng tạo ra một công viên có chỗ đậu xe trong một tuần hoặc một năm, đồng thời cũng cung cấp cho người đi bộ tại đó một vùng đất xanh.

Tác động của DN sẽ đi xa hơn khi họ xem xét lại hệ thống phân phối hàng hóa của mình. Mặc dù vận tải đường sắt là hiệu quả cho những khoảng cách dài, thì việc giao hàng trong đô thị vẫn còn là một thách thức. Hiện tại, một số nhà bán lẻ đang sử dụng các điểm giao hàng chia sẻ và phân phối giao đoạn cuối cùng chỉ bằng xe đạp hoặc xe điện, trong khi các TP châu Âu đang sử dụng hoàn toàn mạng lưới xe điện của họ để vận chuyển hàng hóa.

Những người hàng xóm cũng cần được giúp đỡ

Ô nhiễm không khí không phải vấn đề của một đô thị riêng lẻ.

Việc tạo ra một môi trường không khói không chỉ là thách thức đối với các TP riêng lẻ, bởi những người hít thở không khí của London ngày hôm nay có thể đã ở Paris ngày hôm qua và sẽ lại ở Amsterdam vào ngày mai.

Vùng nông thôn hay ngoại ô TP cũng làm tăng thêm gánh nặng ô nhiễm. Hoạt động đốt cháy nông nghiệp là một yếu tố chính trong các bụi khói ở Delhi vào năm 2017, hay việc cháy để làm sạch than bùn cho dầu cọ cũng đã gây ra khói bụi bao trùm Indonesia và Singapore. Amoniac từ phân bón và canh tác là một thành phần chính trong sương mù tại nhiều TP. Khoa học nông nghiệp đang giúp nông dân sử dụng phân bón phù hợp vào đúng thời điểm, và các công nghệ mới có thể bơm hóa chất vào đất thay vì phun chúng vào không trung.

Nói một cách dễ hiểu, một TP không khói sẽ cần phải làm việc với các đô thị lân cận và những vùng ngoại thành xung quanh để bảo vệ không khí mà tất cả chúng ta đang cùng chia sẻ.

Hương Thảo (Theo The Guardian)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/5-bai-hoc-moi-me-cho-muc-tieu-khong-khoi-tu-do-thi-cac-nuoc-329741.html