5 'át chủ bài' giúp Nga trả đũa lệnh trừng phạt mới của Mỹ

Các kế hoạch mà Washington công bố mới đây nhằm áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Matxcơva đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận cả ở Mỹ và Nga về việc liệu nước nào sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.

Động cơ tên lửa RD-180 mà Mỹ nhập từ Nga được sử dụng trong các nhiệm vụ không gian của NASA. (Nguồn: RT).

Mỹ đã hé lộ rằng họ có thể trừng phạt nhằm vào các hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm xuất khẩu sang Nga, ngừng các chuyến bay của Hãng hàng không Nga Aeroflot tới Mỹ, và có thể cấm tất cả hàng xuất khẩu của Mỹ sang Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp đề xuất trên được đưa ra nhằm đáp trả cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng con gái trên lãnh thổ Anh. Nga đã cực lực bác bỏ cáo buộc này và nhiều lần kêu gọi điều tra quốc tế. Trong bối cảnh đối mặt với lệnh trừng phạt mới của Washington, Matxcơva hoàn toàn có nhiều lựa chọn để đáp trả nếu như cần thiết.

Tính đến thời điểm này, giới lập pháp Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả mạnh mẽ nhằm vào các lĩnh vực hợp tác nhạy cảm giữa hai nước. Hãng thông tấn RT của Nga mới đây cũng đưa ra các biện pháp đáp trả mà nước này có thể áp dụng với Mỹ.

Titanium

Chính phủ Nga có thể đưa ra một lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu Titanium sang Mỹ. Công ty sản xuất Titanium độc quyền của Nga, VSMPO-Avisma, sản xuất tới 1/3 tổng lượng phụ tùng Titanium cho ngành công nghiệp hàng không của toàn thế giới. Công ty này cung cấp tới 70% sản phẩm của họ ra thị trường toàn cầu. Avisma cũng cung cấp 40% các phụ tùng Titanium cho Boeing và 60% cho Airbus, và toàn bộ thành phần Titaniuam cho Hãng Embraer của Brazil.

Việc thay thế Titanium của Nga là điều gần như bất khả thi đối với Boeing. Ngành công nghiệp sản xuất Titanium đã bắt đầu ở Mỹ và Liên bang Xô viết từ những năm 1950. Tuy nhiên, chỉ có Nga là thành công trong việc sản xuất hợp kim Titanium chất lượng cao.

Sử dụng các vật liệu thay thế cũng không phải lựa chọn lý tưởng đối với Boeing bởi Titanium có lợi thế hơn nhiều so với các hợp kim khác. Việc chế tạo máy bay cần phải sử dụng các loại vật liệu chịu được sức ép cực lớn, ở độ cao lớn, khả năng chịu đựng khi tiếp xúc với nhiều yếu tố. Trước kia, máy bay thường được chế tạo bằng thép, nhưng ngày nay các vật liệu có sức chịu đựng cao hơn, nhẹ hơn được sử dụng để kéo dài tuổi thọ của máy bay và giúp chúng tiết kiệm nhiên liệu.

Titanium bền ngang với thép, nhưng lại nhẹ hơn tới 45%. Nó có thể chịu được nước muối trong môi trường hàng hải trong thời gian dài. Sức bền của Titanium khiến nó khó hàn được, bởi vậy giá của vật liệu này cao hơn so với thép và nhôm.

Không phận

Với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Nga có thể áp đặt mức thuế cao hơn đối với các chuyến bay chuyển tiếp sử dụng không phận của họ đối với các máy bay chở hàng hoặc chở khách của Mỹ, hoặc cả hai.

Trong một viễn cảnh có thể xảy ra, các hãng hàng không của Mỹ có thể phải chi tiền thuế sử dụng không phận cao hơn hoặc phải lựa chọn các tuyến đường bay khác. Nhưng việc mất đi tuyến đường bay ngắn qua không phận Nga để đi từ châu Âu tới châu Á, các hãng hàng không này chắc chắn sẽ mất chi phí nhiều hơn, khiến họ giảm sức cạnh tranh. Và trong viễn cảnh tồi tệ nhất, các hãng hàng không Mỹ sẽ buộc phải bay tránh không phận quốc gia lớn nhất thế giới, việc sẽ gây hao tổn nhiên liệu rất lớn.

Khí hóa lỏng và các loại năng lượng khác

Việc xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga tới Mỹ cũng có thể bị cấm. Các mặt hàng mà Nga xuất khẩu tới Mỹ gồm dầu và chất hóa dầu có giá trị khoảng 8 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng lượng xuất khẩu năng lượng của Nga. Lệnh cấm này chỉ gây ra chút ít ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Nga bởi họ sẽ dễ dàng thay thế thị trường Mỹ bằng các bên mua khác.

Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra viễn cảnh khác, bởi Mỹ đang cố gắng trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn. Trong bối cảnh không sản xuất đủ lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, trong khi không có đủ tàu chở LNG như hiện nay, Mỹ đang phải bán lại LNG của Nga cho các nước châu Âu. Nếu Nga cắt các nguồn cung năng lượng, Mỹ không thể tiếp tục tham vọng trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn của thế giới.

Công ty Mỹ hoạt động ở Nga

Bất chấp mối quan hệ đang suy giảm giữa Moscow và Washington, rất nhiều công ty Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Nga mà không bị can thiệp bởi Chính phủ nước này.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Nga có thể khiến cho các công ty của Mỹ như PepsiCo, Proctor&Gamble, McDonald’s, Boeing, Mondelez International, General Motors, Johnson&Johnson, General Electric và nhiều công ty khác hoạt động khó khăn hơn. Vào tháng 8/2014, các nhà quản lý Nga từng ra lệnh đóng cửa 4 nhà hàng McDonald’s ở trung tâm thủ đô Moscow do “vi phạm quản lý”, khởi động các cuộc điều tra nhằm vào hơn 400 chi nhánh của chuỗi nhà hàng này ở Nga.

Ngược lại, có rất ít công ty Nga đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, bởi vậy Mỹ khó có thể đáp trả lại bằng biện pháp tương tự với Nga.

Động cơ tên lửa

Nguồn cung cấp động cơ tên lửa RD-180 được xem là một trong những át chủ bài của Nga trong việc đáp trả lại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Động cơ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các chương trình không gian của Mỹ, bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc sử dụng chúng để phóng các vệ tinh. Nỗ lực nhằm ngừng mua động cơ tên lửa từ Nga của Mỹ đến nay vẫn thất bại do họ không thể sản xuất được một động cơ thay thế.

Loại động cơ này còn được sử dụng để đẩy tên lửa Atlas V. Ngoài động cơ RD-180, Mỹ còn mua động cơ RD-181 của Nga. Động cơ RD-181 được sử dụng để đẩy tên lửa Antares - tên lửa thực hiện nhiệm vụ phóng các tàu vũ trụ phục vụ Không quân Mỹ cũng như thực hiện sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA. Nếu Nga ngừng cung cấp các động cơ nêu trên, đồng nghĩa với việc các tên lửa này phải nằm đất.

Hồi đầu tuần này, một nhà lập pháp kỳ cựu của Nga đã cảnh báo rằng Matxcơva có thể cấm Mỹ mua động cơ tên lửa RD-180 như một biện pháp trả đũa.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/5-at-chu-bai-giup-nga-tra-dua-lenh-trung-phat-moi-cua-my-tintuc412691