5 ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng 2018

Tổng kim ngạch XNK 6 tháng đầu năm được 225 tỉ USD, bằng 52% tổng XNK cả năm 2017.

Tổng kim ngạch XNK 6 tháng đầu năm được 225 tỉ USD, bằng 52% tổng XNK cả năm 2017. Ảnh: P.V

1. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 6 tháng đầu năm được 225 tỉ USD, bằng 52% tổng XNK cả năm 2017, tăng 11% so với 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, phần xuất khẩu tăng vượt 16% chứng tỏ xuất khẩu có sức bật mới. Nhờ vậy 6 tháng đầu năm 2017 nhập siêu tới 2,8 tỉ USD thì 6 tháng đầu năm nay đảo chiều, xuất siêu cũng gần mức đó (2,7 tỉ USD).

2. Lâu nay, trên đường đua xuất khẩu, Khối doanh nghiệp trong nước (DN TN) luôn chậm chân hơn khối Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI). Song trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Khối DN TN tăng cao hơn mức tăng của Khối DN FDI (19,9% so với 14,5%). Hiện tượng này xuất hiện từ tháng 5/2018, khi đó tỷ lệ tăng qua 5 tháng của Khối DN TN là 17,8% còn Khối DN FDI là 15%. Cũng từ thời điểm đó xuất khẩu của Khối DN TN luôn cao hơn mức tăng trưởng của xuất khẩu nói chung. Phải chăng đó là dấu hiệu khởi sắc của các DN TN tranh thủ thuận lợi mới, vươn lên khẳng định mình.

3. Hướng tới mục tiêu năm 2018 là 40 tỷ USD, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục ghi điểm nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành với nhà nông tới từng chi tiết trong chuỗi công đoạn từ đầu vào đến xuất khẩu. Gạo tăng về lượng được về giá, So với năm 2017 giá gạo của Việt Nam đã tăng khoảng 15%, giữ mức bình quân hơn 500 USD/tấn, cao nhất trong 5 năm qua, kim ngạch tăng 44,3% - mức tăng cao nhất trong nhóm hàng này. Ngoài các thị trường truyền thống, đang hướng sang các thị trường có FTA như Hàn Quốc, Australia…

Rau hoa quả 6 tháng đầu năm đã vượt 2 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018 là năm đầu tiên quả vải Thanh Hà, Hải Dương được dán tem truy xuất nguồn gốc mã QR, được coi là tấm giấy thông hành giúp vải thiều tiếp cận với các thị trường “khó tính”. Mùa vụ năm nay, vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở hơn 30 nước với khoảng 87 nghìn tấn

Vượt qua rào cản về kỹ thuật và thú y của quốc gia NK, Tập đoàn Mavin là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thành công thịt lợn tươi.

4. Chỉ với 5 tháng đầu năm đã có 22/88 thị trường xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong số này nổi bật là những đối tác thương mại hàng đầu, thị trường trọng điểm, được từ trên 10 tỷ USD là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU; Và các thị trường thực thi FTA, kim ngạch có thấp hơn nhóm trên song bù lại có mức tăng cao như Hàn Quốc (31%), Indonexia (32%) Myanmar, Úc (20%) (31,6%)…Riêng việc tăng cao xuất khẩu vào Trung Quốc (30,8%), giảm áp lực nhập siêu từ thị trường này, 5 tháng 2017 nhập siêu 11,5 tỷ USD, 5 tháng 2018 còn 10,3 tỷ USD.

Không phải chỉ là thuận lợi và đã hết khó khăn, song với những dấu hiệu trên hứa hẹn cả năm xuất khẩu sẽ suôn sẻ.

5. NK tạm ổn với tỷ lệ tăng khiêm tốn (10%) giúp cân bằng phần nào cán cân thương mại. Song cũng có điểm cần suy xét.

Hàng chục nghìn container trong đó chủ yếu chứa hàng phế liệu bị “bỏ quên” tại các cảng biển, trong đó nặng nhất là cảng Cát Lái, Sài Gòn, đã dấy lên cảnh tỉnh phải siết chặt việc quản lý nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, theo đúng pháp luật về hải quan và về bảo vệ môi trường.

Giá giấy và nguyên liệu làm giấy NK đột ngột tăng chóng mặt. Giá thép NK tăng tới 23%. Nếu trong thời gian tới, cả hai thứ trên đã không hạ nhiệt lại còn bốc hỏa thì sẽ tác động tiêu cực tới nhiều mặt.

Còn nhiều việc phải làm với NK khi càng mở rộng thị trường theo các FTA, song việc nhận biết ngay những bất cập và chủ động xử lý, hy vọng NK năm nay sẽ vừa đi đúng hướng, hợp định chế quốc tế, góp phần tạo lập cán cân thương mại tích cực.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/5-an-tuong-trong-buc-tranh-xuat-nhap-khau-6-thang-2018-620914.ldo