5/12 dự án yếu kém tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC

Đáng lưu ý, 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương có tổng số nợ phải trả lên tới 63.300 tỷ đồng.

Để phục vụ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Chính phủ vừa gửi báo cáo đến Quốc hội về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký nêu số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương có vốn chủ sở hữu âm 7.264,61 tỷ đồng, tổng tài sản 59.152,88 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả lên đến 63.308,82 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của các dự án này lên đến trên 26.300 tỷ đồng.

Về thiệt hại kinh tế cho Nhà nước của các doanh nghiệp/dự án trên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là chưa được xác định đầy đủ, do có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Vì thế, chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án nêu trên.

12 dự án yếu kém của ngành Công thương đang ôm khoản nợ khổng lồ lên tới 63.300 tỷ đồng

12 dự án yếu kém của ngành Công thương đang ôm khoản nợ khổng lồ lên tới 63.300 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý các dự án trên trong năm 2020, nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021, báo cáo nêu.

Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, báo cáo đề cập khá chi tiết đến việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) trong công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Theo đó, về định giá phục vụ bán đấu giá tài sản cố định của dự án, ngày 22/10/2019, Bộ Công thương có văn bản đề nghị Tổng Công ty thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019.

Hiện nay, Vinapaco đang xem xét dự thảo hồ sơ thẩm định giá do tư vấn định giá lập trước khi phát hành chính thức, sau khi có kết quả thẩm định giá, Vinapaco sẽ chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán.

Đến thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả của dự án là 3.055 tỷ đồng, công nợ phải thu là 4,055 tỷ đồng; đến thời điểm 31/12/2019 tổng nợ phải trả của dự án là 3.014,22 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn là 4,055 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, dự án đang khó khăn, ngày 31/10/2019, Ngân hàng PVcombank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcombank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI – chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây - và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (PVFC-VT).

Tuy nhiên, Vinapaco hiện đang rất khó khăn về tài chính, không đảm bảo chi trả các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcombank; vụ kiện của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) liên quan khoản vay của Vinapaco có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tháng 9/2020, Bộ Công thương đã chủ trì buổi làm việc giữa PVcombank và Vinapaco để thống nhất phương án xử lý đối với vụ kiện và hiện tại, PVcombank và Vinapaco đang trong quá trình rà soát và tiến hành đàm phán xử lý.

Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương hồi tháng 9/2020 nhằm xem xét về phương án xử lý 3 dự án: xơ sợi Đình Vũ, nhà máy thép Việt Trung, nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, việc xử lý 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ rất khó khăn, phức tạp trong khi thời gian còn lại rất ít.

Do đó, các bên liên quan phải đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các dự án này.

Cụ thể, các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp phải đề xuất các phương án khả thi, thẩm quyền xử lý và thời hạn xử lý theo phương châm: doanh nghiệp và chủ đầu tư phải chủ động, tự chịu trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường; nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, quyền của người lao động, an sinh xã hội, môi trường và ổn định xã hội cũng như quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải làm tốt hơn nữa vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cũng là vai trò của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty liên quan đến 12 dự án.

Qua đó, Ủy ban kịp thời tham mưu, tổng hợp cho Ban chỉ đạo để xác định rõ các vấn đề cần xử lý và nêu rõ quan điểm của mình.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm phối hợp, có ý kiến đầy đủ, đúng hạn để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp, tham mưu kịp thời.

Ngoài ra, Phó Thủ Tướng lưu ý các vấn đề vướng mắc, khó khăn cần được phản ánh kịp thời tới Ban Chỉ đạo kèm theo phương án xử lý rõ ràng, nêu rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Khẳng định Chính phủ, Ban Chỉ đạo không làm thay công việc của doanh nghiệp, trách nhiệm chính thuộc về các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị này cần chủ động làm việc với các đối tác, từng bước có các phương án xử lý về tài chính, giảm lỗ.

Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, các bộ ngành đánh giá kỹ việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, từ đó mới có cơ sở xem xét việc đưa 3 dự án trên ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/512-du-an-yeu-kem-tranh-chap-vuong-mac-hop-dong-epc-3420287/