5.000 lao động gang thép Thái Nguyên và bài toán khó của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Những tranh chấp pháp lý và việc thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, chủ dự án gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2 vẫn sẽ là bài toán khó, khiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải đau đầu. Đặc biệt khi thời hạn giải quyết tồn đọng của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương vào năm 2020 đã tới rất gần.

Việc thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị chủ sở hữu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đồng thời là chủ dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn gặp nhiều vướng mắc (Ảnh minh họa)

Việc thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị chủ sở hữu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đồng thời là chủ dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn gặp nhiều vướng mắc (Ảnh minh họa)

Rút ngắn danh sách dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi các bộ ngành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc triển khai chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Một góc dự án Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng báo cáo đề xuất tiêu chí, quy trình và thủ tục đưa dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương. Bộ Công Thương cho biết, sau 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tình hình 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đã có những chuyển biến tích cực.

Để đưa các dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương, Bộ Công Thương đề xuất 5 tiêu chí.

(1) Đã xác định xong các thủ tục quyết toán dự án hoàn thành và các vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu; (2) Dự án có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi 1 năm trở lên, đồng thời có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo; (3) Dự án cũng không còn phát sinh nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng có quan hệ vay vốn đối với dự án; (4) Chấp hành đầy đủ về nghĩa vụ thuế và khoản thu nộp ngân sách khác; (5) Hoàn thành tất cả các nhiệm vụ giao trực tiếp cho dự án, doanh nghiệp triển khai.

Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận ước đạt hơn 160 tỷ đồng, Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận ước đạt 469 tỷ đồng. Còn 4 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn: Đạm Hà Bắc giảm lỗ 236 tỷ đồng còn 285,4 tỷ đồng, DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 298,4 tỷ đồng còn lỗ 110,78 tỷ đồng.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại. Dự án nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ PVtex, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại khi thị trường thuận lợi.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, ngoài Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải cổ đông chính, các cổ đông ngoài không góp thêm vốn. Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho biết: “Việc xử lý các dự án đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rút thành công 1.000 tỷ đồng vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Trước đó, trả lời trước Quốc hội những vấn đề được các đại biển và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nhắc tới dự định đưa Dự án Nhà máy thép Việt-Trung ra khỏi nhóm 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, bởi về cơ bản, dự án đã hoạt động bình thường, khắc phục được những tồn tại cơ bản về điều lệ, pháp lý, quản trị doanh nghiệp.

Bài toán khó của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở gang thép Thái Nguyên

Dù tình hình 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít vấn đề khiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải đau đầu.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên)

Theo ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), trước kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, công nhân lao động gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư tới đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, đề nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhưng đến nay tiến độ triển khai còn quá chậm, không đạt hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động.

Giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên dừng từ năm 2013. Tính đến thời điểm 31.5.2018, công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng.

Theo đại biểu Hùng, tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện cho 5.000 công nhân lao động công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đã tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác với công ty chủ động xử lý giai đoạn 2, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án.

“Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị”, ĐBQH Hoàng Văn Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Liên quan đến Dự án gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra 2 vấn đề lớn đối với dự án này.

Thứ nhất, các tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) với tổng thầu EPC thực hiện dự án tới từ nước ngoài. Thứ hai, câu chuyện thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị chủ sở hữu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đồng thời, là chủ dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Đối với các tranh chấp pháp lý xảy ra tại dự án Gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có khả năng phải giải quyết bằng tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu. Bởi có nhiều vấn đề, tồn đọng xuyên suốt quá trình thực hiện dự án qua nhiều giai đoạn.

“Có rất nhiều việc làm không đúng với trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu trong quá trình thực hiện dự án”, ông Trần Tuấn Anh cung cấp thông tin.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho hay đối với giai đoạn 2 của dự án nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, mặc dù VNSteel nỗ lực rất lớn nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn do chưa đàm phán được với nhà thầu Trung Quốc MCC.

Vấn đề bảo lãnh ngân hàng cũng chưa xử lí được mặc dù Tổng Công ty đã làm rất nhiều lần làm việc với Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Song sau khi có quyết định của Thủ tướng và văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo vấn đề này. Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương đã rất tích cực rà soát, nhằm triển khai việc thoái vốn Nhà nước.

“Theo quy định pháp luật, lại vướng phải những vấn đề mới. Trong đó, có phần liên quan tới cam kết bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên trong dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Với khoản vay hơn 1.800 tỷ của Viettinbank.

Nếu chúng ta tiến hành thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước vì Tổng công ty Thép Việt Nam đã cam kết bảo lãnh 100% khoản vay này cho dự án. Giải quyết cho xong khoản giải chấp của Tổng Công ty Thép Việt Nam với khoản bảo lãnh của TISCO thì mới có thể tiến hành thoái vốn. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai phương án thoái vốn mới theo hướng đảm bảo thoái vốn đúng quy định luật pháp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.

Hoàng Nhật

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/5000-lao-dong-gang-thep-thai-nguyen-va-bai-toan-kho-cua-bo-truong-tran-tuan-anh-948261.html