49 người chết trong vụ xả súng liên hoàn ở New Zealand

Các vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo đầy những người đang tham dự buổi cầu nguyện thứ Sáu làm ít nhất 49 người chết và hàng chục người bị thương.

Hai vụ xả súng liên hoàn vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand ngày 15/3 khiến đây trở thành "một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand" - theo lời Thủ tướng Jacinda Ardern.

 Nạn nhân được đưa lên xe cấp cứu. (Ảnh:AP)

Nạn nhân được đưa lên xe cấp cứu. (Ảnh:AP)

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết vụ tấn công ở thành phố Christchurch đại diện cho một hành động bạo lực cực đoan và chưa từng có. Bà thừa nhận nạn nhân có thể phần lớn là người di cư và người tị nạn. Bà cho biết 49 người chết và hơn 20 người bị thương nặng trong vụ việc.

"Rõ ràng điều này bây giờ chỉ có thể được mô tả như một cuộc tấn công khủng bố" - Thủ tướng nói.

Cảnh sát đã bắt giữ ba người đàn ông và một người phụ nữ sau vụ xả súng khiến quốc gia 5 triệu người bàng hoàng. Trong khi chưa có lý do để tin rằng có nhiều nghi phạm hơn, bà Ardern nói mức độ đe dọa an ninh quốc gia tại New Zealand đang được nâng lên mức cao thứ hai.

Kẻ trực tiếp nổ súng sát hại và làm bị thương hàng chục người ở nhà thờ tại New Zealand phát trực tiếp toàn bộ quá trình gây án kéo dài trong 17 phút được xác định là Brenton Tarrant, 28 tuổi, người Australia. Kẻ nhận trách nhiệm về vụ xả súng đã để lại một bản tuyên bố chống người nhập cư dài 74 trang với lời lẽ phân biệt chủng tộc, trong đó anh ta giải thích mình là ai và lý do thảm sát.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã xác nhận một trong bốn người bị giam giữ là một công dân gốc Australia.

Cảnh sát đi tuần tại hiện trường. (Ảnh: AP)

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại một cuộc họp báo, ám chỉ tư tưởng chống người nhập cư có thể là động cơ vụ tấn công. Trong khi nhiều người bị ảnh hưởng bởi vụ xả súng có thể là người di cư hoặc người tị nạn, họ đã chọn New Zealand thành nhà của họ, và đó là nhà của họ, Thủ tướng nói. "Họ là chúng ta."

Đối với các nghi phạm, bà Ardern cho rằng đó là những người có quan điểm cực đoan, hoàn toàn "không có chỗ ở New Zealand". Đại diện cảnh sát Mike Bush cho biết vẫn chưa chắc chắn về những nghi phạm khác ngoài những người bị bắt giữ.

"Tôi rất tự hào về các cảnh sát của chúng tôi, cách họ ứng phó với sự việc. Nhưng chưa thể khẳng định nguy hiểm đã biến mất", cảnh sát Bush nói.

Vụ tấn công thứ nhất xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor ở trung tâm thành phố Christchurch vào khoảng 1:45 chiều (giờ địa phương). Nhân chứng Len Peneha cho biết ông nhìn thấy một người đàn ông mặc đồ đen bước vào nhà thờ và nghe thấy hàng chục phát súng, theo sau là những người chạy ra trong hoảng loạn. Peneha, người sống bên cạnh nhà thờ, cho biết tay súng đã chạy ra và đánh rơi thứ dường như là vũ khí bán tự động trên đường lái xe bỏ chạy.

Vị trí hai vụ tấn công đẫm máu. (Ảnh: AP)

Vụ nổ súng thứ hai tại Nhà thờ Hồi giáo Linwood Masjid khiến khoảng 10 người chết. Người đàn ông nhận trách nhiệm vụ nổ súng nói anh ta đến New Zealand chỉ để lên kế hoạch và huấn luyện cho vụ tấn công. Người này nói không phải là thành viên của bất kỳ tổ chức nào và không có nhóm nào ra lệnh, dù hành động một mình nhưng đã tương tác với nhiều nhóm dân tộc. Kẻ này tuyên bố các nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch và Linwood sẽ là mục tiêu, cũng như một nhà thờ Hồi giáo thứ ba ở thị trấn Ashburton nếu anh ta có thể đến đó.

Kẻ này nói chọn New Zealand vì vị trí, muốn chứng tỏ rằng ngay cả những nơi xa xôi nhất trên thế giới cũng không tránh khỏi "nhập cư hàng loạt".

New Zealand thường được coi là một quốc gia chào đón người nhập cư và người tị nạn. Năm ngoái, thủ tướng tuyên bố nước này sẽ tăng hạn mức tị nạn hàng năm từ 1.000 lên 1.500 bắt đầu từ năm 2020. Bà Ardern, người đã vận động tranh cử với lời hứa tăng lượng người tị nạn, gọi đây là động thái đúng đắn.

Vụ xả súng hàng loạt ở New Zealand là cực kỳ hiếm. Vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử hiện đại nước này xảy ra tại thị trấn nhỏ Aramoana năm 1990, khi tay súng David Gray bắn chết 13 người sau một cuộc tranh chấp với một người hàng xóm.

Cảnh sát hộ tống các nhân chứng khỏi hiện trường. (Ảnh: AP)

Vụ xả súng khiến New Zealand nâng tình trạng cảnh báo an ninh lên cấp cao thứ hai. (Ảnh: AP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/49-nguoi-chet-trong-vu-xa-sung-lien-hoan-o-new-zealand-d463205.html