480 tỷ USD tái cơ cấu kinh tế: Hiểu đúng thế nào?

480 tỷ USD là nguồn lực để đầu tư, chứ không phải nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế. Bài toán được đặt ra là phải đầu tư có hiệu quả.

Báo cáo Quốc hội ngày 20/10 về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD) để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới.

Con số trên đang gây tranh luận trái chiều và câu hỏi được đặt ra nhiều ngày qua là lấy đâu ra tiền lớn như vậy để đáp ứng yêu cầu mà Bộ trưởng Dũng đưa ra.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội

Trao đổi với tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 28/10, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, con số 480 tỷ USD là nguồn lực để đầu tư, chứ không phải nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế.

Giải thích kỹ hơn về vấn đề này, vị chuyên gia phân tích: “Trong kế hoạch 2016-2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32-33% GDP, dự kiến tổng GDP vào khoảng 30 triệu tỷ đồng. Với tỷ lệ đầu tư/GDP như vậy, thì có khoảng 10 triệu tỷ đồng sẽ đưa vào đầu tư trong nền kinh tế”.

Trong khi đó, ngày 26/10, trao đổi với VnEconomy về đề án này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay của Chính phủ, với các bước đi và hành động rất cụ thể.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD) để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD) để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới.

Theo ông Hưng, đây là đề án phân định rõ Nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4% GDP, lạm phát khoảng 3,5% và dùng mô hình kinh tế để lượng hóa tác động.

“Con số 480 tỷ USD hay 10,5 triệu tỷ là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm mà Nhà nước phần lớn tập trung chính sách gián tiếp phân bổ tăng hiệu quả sử dụng của các thành phần kinh tế, chứ không phải nguồn vốn Nhà nước huy động.

Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay, với các bước đi và hành động rất cụ thể mà Chính phủ đã đưa ra. Có thiếu chăng, là thiếu công đoạn truyền thông chính sách, để mọi người có thể hiểu và không tranh luận tiêu cực”, ông Hưng nêu quan điểm.

Đầu tư phải hiệu quả

Phân tích kỹ hơn về đề án Tái cơ cấu kinh tế, theo ông Cung báo cáo đưa ra 3 kịch bản và nhiều giải pháp, tuy nhiên có 2 điểm chính đáng chú ý. Đó là thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Về bản chất, đó là cách phân bố lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường. Nhà nước phải đối diện với một nguyên tắc cơ bản trong kinh tế học: nguồn lực thì luôn luôn khan hiếm, và vì thế nguồn lực phải được đầu tư vào nơi tốt nhất, có hiệu quả nhất, chứ không phải được đầu tư một cách vô tội vạ theo cơ chế xin-cho như hiện nay”, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Cung nhấn mạnh.

Vấn đề được ông Cung đặt ra đó là sử dụng có hiệu quả số tiền trên để tái cơ cấu nền kinh tế. Để làm được điều đó, vị chuyên gia khẳng định cải cách phía Nhà nước không chỉ là cải cách DNNN, đầu tư công, khu vực dịch vụ công đang được bao cấp, mà đặc biệt là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước.

“Nếu không làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, thì không sao tái cơ cấu ngân sách nhà nước được. Nhà nước cần thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Động lực cho tăng trưởng phải là cởi trói cho những nền tảng vi mô của kinh tế thị trường. Không thể tiếp tục cơ chế xin-cho phổ biến như hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Cải cách trong nước cũng phải đi cùng với hội nhập. Tiến trình này đòi hỏi không chỉ thay đổi tư duy, mà còn đòi hỏi sự quyết tâm và hành động vì nó động chạm đến quyền và lợi ích của nhiềm người liên quan”, ông Cung nhấn đánh giá.

Trong khi đó, trao đổi với Vietnamnet ngày 24/10, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng” khi điều hành kinh tế.

“Công bằng hiểu đơn giản là người thổi sáo tốt nhất nên được nhận cây sáo tốt nhất. Khi đó, hiệu quả sẽ tốt lên. Nhưng Việt Nam ngược lại. Thời gian qua, người thổi sáo tệ nhất lại được nguồn lực tốt nhất, cây sáo tốt nhất”, ông Du nói.

Vị chuyên gia nhận định, thời gian qua DNNN làm ăn không hiệu quả mà lại được ưu ái nhiều. Còn DN tư nhân làm ăn tốt lúc này bị đóng thuế nhiều và gặp nhiều cản trở để trở lên tốt hơn.

Để kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt, thời gian tới chìa khóa là phải làm sao chặn được động cơ khuyến khích ngược trong các lĩnh vực nền kinh tế; tránh kiểu làm tốt lại bị phạt, làm kém lại nhiều lợi ích.

“Nếu không câu chuyện tái cơ cấu hết năm này đến năm khác vẫn bàn mà nền kinh tế không đột phá được”, ông Du nhấn mạnh.

Hoàng Hà (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/480-ty-usd-tai-co-cau-kinh-te-hieu-dung-the-nao-3321856/