470 tỷ đồng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh: Khó đấy...

Nâng đường, sửa cống có thể cứu ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng nguy cơ gây ngập liên hoàn nhiều tuyến đường khác.

Trước thông tin Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa phê duyệt dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,1 km có tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng.

473 tỷ đồng khó cứu đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: internet

Với các mục tiêu là nâng cấp, khắc phục những hư hỏng trên toàn tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, đồng thời xây mới hệ thống cống thoát nước xử lý tình trạng ngập nghiêm trọng... Sở GTVT TP.HCM kỳ vọng, sẽ khắc phục được tình trạng ngập nước trên toàn tuyến.

Thông tin cũng đồng thời cho biết, số tiền 473 tỷ sẽ được sử dụng từ vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết chưa nhận được báo cáo cụ thể về dự án trên. Hơn nữa, ông Tuyến cũng lưu ý, việc chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh phải cân nhắc nhiều phương án.

"Có thể sẽ giảm được ngập nhưng cần phải lưu ý, ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh còn do triều cường gây lên không chỉ do hạ tầng, thoát nước chậm", ông Tuyến chỉ rõ.

Bày tỏ quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, chủ trương chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng, của TP. HCM nói chung là vấn đề rất lớn.

Dự án đưa ra, ai cũng kỳ vọng có thể đem lại hiệu quả, chấm dứt được tình trạng ngập úng "bền vững" hàng mấy chục năm tại tuyến đường này.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế, PGS Nguyễn Trọng Hòa cũng phải thừa nhận đây là nhiệm vụ rất khó khăn, không thể giải quyết ngập úng theo kiểu cục bộ, riêng lẻ từng tuyến đường.

"Xử lý ngập úng trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh không phải là vấn đề đơn giản. Hệ thống cống thoát nước giữa các tuyến đường là một mạng liên thông, có trục chính, trục phụ, nối từ đường này sang đường khác.

Hơn nữa, tình trạng ngập úng tại TP.HCM còn do sự biến đổi bất thường của tự nhiên, triều cường dâng cao, mưa lớn liên tục, trong khi hệ thống cống thoát nước nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu thoát nước.

Vì thế, đưa ra một giải pháp chống ngập mang tính cục bộ thiếu căn cơ, hệ thống, vụn vặt, manh mún kiểu như là nâng mặt đường này, sửa cống đường kia, ngập ở đâu thì nâng ở đấy là không ổn.

Cách làm này có thể cứu được đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng sẽ có nguy cơ làm ngập sâu những tuyến đường khác. Ví dụ, nâng đường bị ngập thì nước chảy vào trong các hẻm, nâng hẻm thì nước tràn vào nhà và nâng nhà thì nước dội ngược trở lại ra hẻm, ra đường. Đây là cách chống ngập kiểu đèn cù, vừa không hiệu quả, vừa tốn kém", PGS Nguyễn Trọng Hòa chỉ rõ.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nói thêm, tình trạng cống thoát nước tại TP.HCM hiện nay đều được thiết kế từ thời Pháp, tiết diện nhỏ, không bảo đảm, không đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật cũng là một nguyên nhân.

Ông lấy ví dụ, theo tiêu chuẩn cống có đường kính 1m, nhưng vì tiết kiệm cũng có thể vì muốn bớt xén, cống chỉ được làm có 40 phân. Đến khâu thẩm định lại lo lót, cán bộ thẩm định nếu nhận phong bì rồi bỏ qua thì rõ ràng ngập là đúng rồi.

Hà Nội, TP.HCM đều có đường không cống: Ngập dân chịu

Ngoài ra, ông Hòa còn cho rằng cần phải xem lại các điểm kết nối giữa các dự án với nhau, hay điểm kết nối giữa các dự án tới cửa thoát nước trung tâm đã có chưa và đã được thực hiện như thế nào.

Thực tế, ông cho biết, quy hoạch hệ thống thoát nước trung tâm hiện chưa được làm tốt. Nhiều khu vực chưa có vì thiếu tiền nên thoát nước mới được làm chắp vá, nối đoạn chứ chưa có được một quy hoạch chuẩn.

Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng TP.HCM nên nghiên cứu xây hồ điều tiết, đây mới là giải pháp chống ngập căn cơ cho TP.HCM.

"473 tỷ là số tiền không nhỏ nhưng nếu chống được ngập thì đây là số tiền có ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu không giải quyết được đồng bộ, thì tình trạng ngập úng sẽ quay trở lại", PGS Nguyễn Trọng Hòa cảnh báo.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/470-ty-dong-chong-ngap-duong-nguyen-huu-canh-kho-day-3365001/