45% người chuyển giới nữ bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử

Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo báo chí 'Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới' được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại TP.HCM ngày 2/11.

Hội thảo báo chí “Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới” - Ảnh: N.T.

Theo SCDI, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000-500.000 người chuyển giới (nam và nữ). Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM (năm 2015 do CARMAH và ĐH Pittsburg) cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở “chợ đen”. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế để có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Bà Thủy cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới. Tuy nhiên, dự thảo này thời gian qua cũng mang đến nhiều tranh luận, với nhiều vấn đề trắc trở mà người chuyển giới đang gặp sẽ vẫn chưa được tháo gỡ khi luật ra đời nhưng chưa bổ sung những xu hướng tiến bộ...

Tại Hội thảo, cộng đồng người chuyển giới đã chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của mình như bị đối xử kì thị, không xin được việc làm cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế...

Đỗ Tây Hà (25 tuổi, người mẫu tự do) là người chuyển giới (nam thành nữ) từ năm 19 tuổi cho biết, việc khó khăn nhất đối với người chuyển giới là đi xin việc làm. Bởi, xã hội vẫn chưa đón nhận người chuyển giới, cùng với việc ngoại hình không trùng khớp với giấy tờ, tạo lên nhiều khó khăn, rào cản cho người chuyển giới tiếp cận với việc làm cũng như những dịch vụ y tế. Đa phần người chuyển giới phải tìm những phương pháp phẫu thuật chui ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam chưa có các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe sau hậu phẫu cho người chuyển giới. Chính vì vậy, sức khỏe của người chuyển giới cũng có nhiều nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng...

Đỗ Tây Hà - Ảnh: N.T.

“Em mong muốn Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua để chúng em có được một công việc ổn định; được gia đình, xã hội đón nhận một cách chính thức, được kết hôn sống hạnh phúc như mọi người và được các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người chuyển giới”, Hà chia sẻ mong muốn.

Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.

NGUYỄN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/45-nguoi-chuyen-gioi-nu-bi-tu-choi-viec-lam-do-phan-biet-doi-xu-post229998.html