45 năm giải phóng Đà Nẵng: Đột phá từ hạ tầng giao thông

Những trục giao thông Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ,... tạo cho Đà Nẵng một hạ tầng giao thông hiện đại.

Sau 45 năm giải phóng (29/3/1975), thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh về hạ tầng giao thông, tạo nên diện mạo mới cho một thành phố trẻ, hiện đại.

Nổi bật là những tuyến đường vành đai, đường giao thông kết nối đông - tây và đường ven biển. Song song với đó là hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hàn. Gần đây, khi phương tiện giao thông và dân số tăng nhanh, Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Thành phố này đã chú trọng đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, góp phần giải tỏa ùn tắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu vượt Ngã ba Huế được xây dựng với kinh phí 2000 tỷ đồng

Cầu vượt Ngã ba Huế được xây dựng với kinh phí 2000 tỷ đồng

Ngày 29/3/2015, đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, nút giao thông ngã ba Huế được khánh thành đưa vào hoạt động. Công trình Nút giao thông Ngã ba Huế gồm 3 tầng. Tầng mặt đất dành cho các nhánh rẽ đường bộ không giao nhau với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao gồm 4 làn xe rộng 15 mét; Cầu vượt tầng 2 dành cho hướng ưu tiên từ thành phố Huế vào trung tâm thành phố Đà Nẵng gồm 4 làn xe, rộng 17 mét. Đây là công trình giao thông quan trọng ở cửa ngõ vào phía Bắc thành phố Đà Nẵng, giao nhau với đường sắt Bắc –Nam, từng là điểm đen về tai nạn giao thông.

Để có mặt bằng xây dựng cầu vượt Ngã ba Huế, hơn 500 hộ dân đã di dời.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân sống ở gần cầu vượt Ngã ba Huế cho biết, từ ngày có cầu vượt, giao thông thuận tiện và an toàn hơn. Bởi, sau khi có cầu vượt Ngã ba Huế và hầm chui Nguyễn Tri Phương, nạn kẹt xe ở 2 nút giảm rất nhiều. Người dân rất đồng tình và đây là một trong những dấu ấn đậm nhất của thành phố.

Ngày 29/3 năm nay, đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng quê hương, thành phố Đà Nẵng khởi công dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Tây sông Hàn, tạo nên trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và khu vực phía Đông.

Nút giao thông Phía Tây cầu Sông Hàn khi chưa có hầm chui.

Dự án này đầu tư xây dựng 3 nút giao thông khác mức liên hoàn. Trong đó, nút giao thông đường Duy Tân- 2/9 lên cầu Trần Thị Lý được thiết kế 3 tầng, nút giao Ngã tư Duy Tân - Núi Thành được thiết kế hầm chui và tầng mặt đất; Nút giao giữa đường Bạch Đằng nối dài với đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý cũng được thiết kế hầm chui.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng - đơn vị được giao làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án cho biết, Dự án này giải quyết tổng thể một loạt nút giao quan trọng trong khu vực nguy cơ ùn tắc cao bằng hình thức giao thông không đồng mức: "Trên đường 2-9 sẽ bố trí cầu vượt, trên đường Duy Tân sẽ bố trí hầm chui chạy từ đường Lê Đình Thám lên cầu Trần Thị Lý; Đường 2-9 giao với Duy Tân sẽ bố trí cầu vượt kết hợp với tầng mặt đất và hầm chui. Còn tại vị trí giao nhau giữa các đường Duy Tân - Núi Thành - Bạch Đằng nối dài sẽ kết hợp hầm chui, tạo ra liên hoàn 3 nút khác mức để giải quyết tổng thể bài toán giao thông khu vực giao thông này".

Hầm chui phía tây cầu sông Hàn giải quyết nạn kẹt xe

Cùng với đầu tư xây dựng nhiều cây cầu mới, mở các tuyến đường vành đai, ven biển và trục xuyên tâm thành phố, những năm gần đây, Đà Nẵng chú trọng đầu tư các nút giao thông khác mức. Đầu tiên là nút giao thông Hòa Cầm, cửa ngõ phía Tây Nam thành phố. Tiếp đến là nút giao thông khác mức Ngã ba Huế. Hiệu quả nhất trong chống ùn tắc giao thông nội đô là hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn rồi hầm chui Nguyễn Tri Phương- Điện Biên Phủ. Hiện thành phố đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư thực hiện Dự án nút giao thông khác mức phía Tây cầu Rồng.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Đà Nẵng cho biết, dự án nút giao phía Tây cầu Rồng cũng sẽ được đầu tư xây dựng khác mức, giải tỏa giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố. Các nút có tính chất đặc biệt quan trọng như nút cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Rồng, sở GTVT đã phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ theo đúng quy trình. Sở GTVT đã báo cáo với lãnh đạo thành phố về chủ trương đầu tư cải tạo 2 nút này và đã được lãnh đạo thành phố thống nhất. Đây là nút giao thông sử dụng ngân sách thành phố. Còn nút giao thông phía Tây cầu Rồng sử dụng nguồn vốn trong dự án phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới.

Phối cảnh nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Theo ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng thì từ lâu, các nước trên thế giới đã xây dựng nút giao thông khác mức. Ngay cả các đường hầm cũng được xây dựng không đồng mức, tránh ùn ứ giao thông. Việc TP Đà Nẵng tập trung xây dựng các nút giao thông không đồng mức là xu hướng hiện đại. Trong tương lai gần, việc đi lại của người dân 2 bên bờ Đông- Tây sông Hàn và các nút giao thông cửa ngõ thành phố sẽ rất thuận tiện.

Ông Trần Dân cho rằng, Đà Nẵng đã vận dụng thành công nhiều phương thức đầu tư, tranh thủ nhiều nguồn lực, trí tuệ của giới chuyên môn: "Tất cả các dự án của Đà Nẵng, Hội đều được mời tham gia, kể cả những dự án trong Quy hoạch tổng thể Đà Nẵng 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng đều được tham gia 5-7 cuộc họp. Thành phố rất tôn trọng các Hội nghề nghiệp. Đặc biệt Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng có rất nhiều người có kinh nghiệm. Những đóng góp của Hội đều được thành phố ghi nhận.

Xây dựng nút giao thông khác mức cần mặt bằng đủ rộng. Để làm được những công trình như thế cần có sự ủng hộ của người dân thành phố. Khi xây dựng Nút giao thông Ngã ba Huế, hơn 500 hộ dân đã di dời nhường đất cho công trình. Trong khi đó, để làm hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, thành phố phải thu hồi đất của 23 hộ dân ở những vị trí vàng.

Hầm chui Nguyễn Tri Phương- Điện Biên Phủ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng cho rằng, bộ mặt đô thị Đà Nẵng khang trang như hôm nay nhờ sự đồng thuận rất lớn của người dân. Bởi, từ khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, người Đà Nẵng hiểu rất rõ vị trí của thành phố là phải vươn lên. Người Đà Nẵng thấy mình phải làm gì để xứng đáng với thành phố này. Ta có thể thấy được 20 năm qua, có sự phát triển rất mạnh. Cả trăm ngàn hộ trong diện di dời giải tỏa mà họ đều đồng thuận với chính quyền. Sự hy sinh đó, đóng góp đó làm nên thương hiệu của thành phố.

Mô phỏng nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Ngày mới giải phóng, cả TP Đà Nẵng chỉ có mỗi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi cũ kỹ. Thành phố phải nâng cấp cầu đường sắt Trần Thị Lý thành cầu đường bộ nhưng theo kiểu "giật gấu vá vai". Chiếc phà qua sông Hàn, kỷ niệm một thời của người dân thành phố lúc bấy giờ phải gồng gánh dòng người đông đúc qua lại 2 bờ Đông - Tây.

Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu.

Ngày đó, chuyện đi từ ngã ba Huế về đến Nại Hiên Đông chưa tới chục cây số mà mất đứt cả buổi đường. Bây giờ, trên sông Hàn đã có cả chục cây cầu hiện đại. Những trục giao thông Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Sa-Trường Sa, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp tạo cho Đà Nẵng một hạ tầng giao thông hiện đại. Những nút giao thông khác mức tạo dấu ấn mới cho đô thị Đà Nẵng trên hành trình xây dựng thành phố hiện đại, văn minh./.

Thanh Hà- VOV Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/45-nam-giai-phong-da-nang-dot-pha-tu-ha-tang-giao-thong-1028917.vov