45 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021) : Tâm tình của CTV 10 năm gắn bó với Giác Ngộ

LTS.Cộng tác viên Tiêu Dao có nhiều bài viết trên báo Giác Ngộ với bút danh Minh Ngọc. Anh là cây bút thực hiện nhiều bài phóng sự xã hội ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Hành trình của anh với báo Giác Ngộ đã gần 10 năm.

Nhân 45 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2021), CTV Tiêu Dao trải lòng…

Tác giả Tiêu Dao có hành trình 10 năm đồng hành cùng Giác Ngộ

“Trải nghiệm đầy lạ lùng”

Đã xấp xỉ 10 năm tôi đồng hành cùng báo Giác Ngộ, dù đó là chặng đường chưa dài nhưng cũng đủ để thấy được sự phát triển của bản thân mà Giác Ngộ mang lại.

Ngay từ những ngày đầu, khi đến với Giác Ngộ, đó là một cảm giác khác lạ với những tờ báo thông thường, bởi những thông tin mà báo mang lại - không chỉ đơn thuần là thông tin báo chí, mà ở đó còn đầy những trải nghiệm nhân văn, mang đậm hơi thở của lòng từ bi.

Kỷ niệm của tôi với báo là đầy ắp những câu chuyện nhân văn, những tin, bài vừa mang hơi thở của cuộc sống, vừa mang nỗi niềm của thân phận, vừa chất chứa những tâm tư khó tả của đời, của người, của số phận. Ở đó, không ít lần tôi đã sửng sốt nhận được những phản hồi từ độc giả qua kết nối với tòa soạn. Đôi lúc tôi cảm thấy tâm đắc, tự hào vì qua những bài viết của mình đã giúp được nhiều người, nhiều cảnh đời khốn khó.

Như chuyện của cậu bé Anh Thi ngày ngày đi bắt ốc nuôi cha bị liệt cả 2 chân sau khi mẹ bỏ đi và có nguy cơ phải bỏ học vào năm 2018. Cô Diệu Ngọc, một người phụ nữ đơn thân nhiều tuổi ở tận TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) xa xôi, ngay sau khi đọc được bài viết trên báo Giác Ngộ đã lần hỏi địa chỉ và tìm đến tận ngôi nhà của cậu bé và người cha dưới chân núi. Rồi cô quyết định trích số lương hưu ít ỏi mỗi tháng của mình 1 triệu đồng gửi cho Anh Thi, để cậu yên tâm đến lớp, cùng chiếc xe đạp mới. Cha của Thi cũng được bạn đọc, một nhà hảo tâm giấu tên giúp một chiếc xe lăn, để ông thuận tiện hơn trong việc di chuyển.

10 năm gắn bó với báo Giác Ngộ, không có trải nghiệm nào là vô ích với tôi. Thực sự, đến với báo Giác Ngộ, đó là một nhân duyên giúp mình trưởng thành hơn, tĩnh tâm hơn, nhẹ nhàng, thấu hiểu hơn về cuộc đời, về con người, và cả về đạo pháp. Giác Ngộ mang lại cho tôi nhiều điều thú vị.

Đi, viết và cảm nhận

Tôi cũng có cơ hội tiếp cận với chư Tăng và hiểu thêm về đời sống chốn thiền môn. Tôi nhớ vào năm 2013, tôi đến chùa Quang Minh ở xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam), chùa rất nghèo, ngôi Tam bảo xập xệ nhưng người dân rất tôn kính Phật. Xúc động trước hình ảnh đó, tôi viết, bài được báo Giác Ngộ đăng tải, Phật tử và đạo hữu ở khắp nơi đã cúng dường để xây chùa. Chỉ vài tháng sau đó, một ngôi chùa mới đã được xây dựng khang trang.

Về phần mình, đôi lúc tôi thấy hụt hẫng, chới với với những lo toan của cuộc sống nhưng nhờ đọc được tinh thần mà báo Giác Ngộ mang đến, tôi tập sống chậm lại, rồi nhận ra bản thân đã vững chãi hơn rất nhiều.

Hành trình tôi đi qua dải đất miền Trung để viết bài cho báo Giác Ngộ cứ thế tiếp tục. Tôi đã gặp và ghi chép về những thân phận, đời sống của các nhân vật để mang đến câu chuyện mới lạ, thú vị cho độc giả. Từ họ, tôi được học hỏi và trưởng thành hơn qua từng bài báo.

Thực sự, tôi thấy mình may mắn khi đóng góp cho báo Giác Ngộ và cùng những anh chị nhà báo trực tiếp tại tòa soạn làm nên những phần việc nho nhỏ, giúp tờ báo ngày càng đến gần và để lại ấn tượng tốt đẹp với người đọc.

Suốt 10 năm qua, tôi cũng tâm đắc khi báo Giác Ngộ đã đáp ứng xu thế của báo chí hiện đại. Theo đó, Giác Ngộ đã có phiên bản điện tử để tiếp cận độc giả toàn cầu và sử dụng mạng xã hội tương tác với bạn đọc.

Tuy nhiên, theo tôi, nội dung của báo Giác Ngộ vẫn còn khá nặng về ngôn ngữ Phật học, chưa thu hút được độc giả trẻ.

Thêm nữa, để hướng tới đa số độc giả, báo Giác Ngộ cần đẩy mạnh và đầu tư hơn nữa phiên bản điện tử với xu hướng đa phương tiện, cách tiếp cận nội dung hiện đại hơn trên nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, truyền hình cần xây dựng chuyên nghiệp hơn, đầu tư nâng cao cả về chất lượng hình ảnh, đa dạng nội dung và thời lượng.

Mong rằng, báo Giác Ngộ bước vào tuổi 46 vẫn luôn là một tờ báo đặc biệt, không chỉ phục vụ cho đối tượng Tăng Ni, Phật tử trong nước và nước ngoài mà hướng đến đông đảo đối tượng độc giả để lan tỏa từ bi, hướng thiện trong đời thường.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Tiêu Dao

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//bandoctoasoan/2020/12/10/3344c3/