45 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021) : Duyên lành của tôi cùng Giác Ngộ

Cách đây khoảng 10 năm, một cơ duyên đã đưa tôi đến với báo Giác Ngộ...

CTV Đào Thái Sơn

Có nhiều lúc tịnh tâm nhìn lại chuỗi thời gian đã qua, mới thấy mình gặp quá nhiều điều may mắn. Nhưng có lẽ, điều may mắn lớn nhất của đời tôi là được giáo dục trong môi trường của ánh đạo Từ bi từ thuở nhỏ. Đó cũng là hành trang quý giúp tôi tiếp tục học tập, rèn luyện để vững bước vào đời, để mỗi ngày thân tâm thêm phần trong sáng, xua tan đi đám mây mù u tối của biết bao cạm bẫy trần ai.

Cách đây khoảng 10 năm, một cơ duyên đã đưa tôi đến với báo Giác Ngộ. Phải nói rằng, đây là một tờ báo hoàn toàn khác với những tờ báo mà tôi đã từng cộng tác bấy lâu. Các thầy ở đây từ biên tập viên cho đến thiết kế mỹ thuật đều là những nhà Phật học uyên thâm, cho nên mỗi lời góp ý của các quý thầy đều là những bài học bổ ích giúp cho tôi được trưởng thành sáng rõ hơn mọi lẽ. Cái quý ấy, không phải dễ tìm giữa cuộc đời này.

Một vấn đề khác khiến cho người cộng tác viên như tôi luôn cảm thấy ấm lòng đó là lá thư cảm ơn đầy trân trọng kèm theo báo biếu, cũng như cuốn lịch và món quà mỗi khi Xuân về Tết đến, dù người viết đang sinh sống tận miền biên viễn xa xôi. Có lẽ, nét vô cùng đáng yêu này, hiện nay, chỉ duy nhất có Giác Ngộ làm được.

Thực lòng mà nói, một người làm nghề viết thì nhuận bút cũng là một phần trang trải. Nhưng tôi đến với Giác Ngộ không phải vì lẽ đó, tôi đến với Giác Ngộ chủ yếu để học Phật, bổ khuyết cho kiến thức cạn hẹp của tôi. Và cũng là để tưởng nhớ công ơn của nội tôi dạy dỗ ngày xưa. Nội tôi vốn là một Phật tử, bà thuộc rất nhiều kinh kệ, am hiểu triết lý nhà Phật, nên bà lấy đó làm cơ sở để răn dạy tôi mọi điều.

Lên năm tuổi, ba má cho tôi sang ngủ với bà, đêm nào bà cũng đọc kinh Bách Dụ và kể chuyện thiền cho tôi nghe. Qua những mẩu chuyện nho nhỏ ấy, bà dạy cho tôi biết bao nhiêu điều hay lẽ phải trong cuộc sống… Năm tháng qua đi, tôi lớn dần trong cách giáo dục và tình thương yêu của bà như thế. Và cũng không biết tự bao giờ, Phật giáo đã trở thành nền tảng đạo đức quan trọng trong tất cả mọi mặt cuộc sống của tôi…

Nhớ về ngày tôi đến với Giác Ngộ, không biết bao nhiêu là kỷ niệm bất chợt ùa về. Tôi vừa viết mà cũng vừa đọc, mỗi bài viết được đăng trên báo giấy hay báo mạng của Giác Ngộ đối với tôi đều là những chắt lọc tinh túy. Đạo học khác xa thế học, có đọc bài của các thầy như Thanh Từ, Trí Quảng, Quảng Tánh, Quảng Kiến… và các học giả khác viết, mới vỡ lẽ ra được nhiều điều.

Thông qua những bài viết nhẹ nhàng, tài hoa ấy, tâm hồn tôi như được tẩy rửa khỏi dòng mê đục, thức tỉnh và sáng lên như vầng trăng thoát ra từ đám mây u tối.

Thế giới của Giác Ngộ là thế giới của những bậc hiền trí, hiền nhân. Đó là bản lĩnh để bảo vệ Chánh pháp, trí tuệ để không lầm lạc đường mê, từ bi để cứu độ chúng sinh trong muôn vàn nẻo khổ…

Tôi đến với Giác Ngộ là đến với chánh đạo. Thấu hiểu được điều này nên tôi quyết định quy y Ngũ giới. Tôi còn nhớ rất kỹ, trước ngày làm lễ quy y, đêm ấy tôi không sao ngủ được. Tôi nhắm mắt để mà nhìn ngược lại những tháng ngày của quá khứ xa xôi. Tôi thấy tôi vướng mắc không ít sai lầm, nhất là vì mưu sinh cơm áo mà đã gây ra biết bao cảnh đau khổ cho muôn loài muôn vật. Hai dòng nước mắt tự nhiên lăn dài trên má rồi thấm khô dần trong cõi ăn năn… Và rồi lòng tôi tràn đầy hi vọng mai này mình sẽ đổi khác một cách tốt đẹp hơn.

Giờ làm lễ, quỳ trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca, tôi đọc theo thầy Thích Thiện Thành năm lời thệ nguyện: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu. Khi ấy, trái tim tôi trỗi lên một cảm giác rất đỗi thiêng liêng mà tôi chưa có bao giờ.

Trong những năm gần đây, tôi ít gửi thơ truyện cho Giác Ngộ, mà tập trung nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo ở Tây Ninh quê tôi. Trong lĩnh vực này, tôi chủ yếu hướng vào Phật giáo Nam tông Khmer. Bởi người Khmer chiếm một tỉ lệ khá lớn của dân số Tây Ninh. Ngoại trừ hai nhóm nhỏ ở Bàu Ếch (Hòa Thành) và Xóm Tháp (Tân Biên) theo Cao đài, thì hầu hết các làng Khmer khác trong tỉnh đều theo Phật giáo.

Phật giáo Khmer tuy là Phật giáo Nguyên thủy, nhưng lại rất thông thoáng, không câu nệ rườm rà. Tôi say mê từng nét văn hóa, từng câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, cho đến lối kiến trúc chùa, hệ thống tôn tượng, bích họa… Tất cả hấp dẫn tôi đến mức lạ kỳ. Những bài viết này hầu hết được báo Giác Ngộ đăng tải, giới thiệu đến độc giả. Đó là một niềm hạnh phúc vô bờ của cá nhân tôi.

Nhân kỷ niệm 45 báo Giác Ngộ, tôi có mấy lời tâm sự trên, qua đây cũng xin chúc cho quý tòa soạn, chư Tăng Ni, Phật tử hoan hỷ, an lạc trên mọi đường tu tới Phật. Tất cả đều sống “Tốt đời đẹp đạo”, thường gieo duyên lành, xây dựng quê hương đất người ngày càng hạnh phúc ấm no.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Đào Thái Sơn

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//bandoctoasoan/2020/11/26/36c6ca/