45 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021) : Có đề tài hay liền nghĩ 'viết cho Giác Ngộ!'

Khi ta có một suy nghĩ, cảm nhận hoặc ý tưởng về đời sống nhân sinh hay Phật pháp, ta muốn thông qua báo Giác Ngộ để chia sẻ với nhiều người, rồi ta thực hiện thì ngay lúc đó ta đã là cộng tác viên của báo rồi.

Hạnh phúc mang tên... được đăng báo Giác Ngộ

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bay bổng, vui mừng khi thấy bài viết của mình lần đầu tiên được đăng trên báo Giác Ngộ vào tháng 12-1998. Và lần gần đây nhất tôi có bài đăng là tháng 9-2020, khoảng thời gian dài như vậy nhưng cảm giác hạnh phúc đó vẫn không khác chút nào…

Bài báo đầu tiên của CTV Hoàng Dũng trên Nguyệt san Giác Ngộ, tháng 8-1998 - Ảnh: H.D.H

Tôi nhẩm đếm đã 22 năm và trong suốt khoảng thời gian này, tùy lúc viết ít hay nhiều tôi đều gắn bó với tờ báo thân thương… Từ lúc viết bài bằng tay trên giấy rồi trực tiếp đến tòa soạn gởi cho đến khi ngồi nhà bấm máy kèm hình ảnh gởi vèo vèo. Dù chỉ là những đóng góp nhỏ bé, âm thầm nhưng tôi tự cho mình là một phần của tờ báo… Có đề tài gì hay thì trong tâm tôi liền nghĩ “Viết cho Giác Ngộ!”.

Báo Giác Ngộ là tờ báo duy nhất, có thể loại đặc biệt nhất trong ngành báo chí Việt Nam cho nên yêu cầu bài viết cũng rất cao và đặc biệt. Từ lúc tập tễnh với những con chữ đầu tiên tôi được Ban Biên tập rèn luyện mình qua cách chỉnh sửa từ bản thảo của tôi. Tôi so sánh giữa bài đã đăng và bản gốc, từ đó học hỏi và rút nhiều kinh nghiệm cho bài viết sau. Những bài viết không được báo chọn đăng đó cũng là cách cho tôi biết để điều chỉnh đề tài cho phù hợp hơn…

Sau mỗi bài viết được đăng, ngoài nhuận bút tác giả luôn nhận được Thư cảm ơn từ Ban Biên tập. Đây chính là sự ghi nhận, động viên rất lớn khiến tác giả hạnh phúc và cảm nhận được sự trân trọng công sức đóng góp của mình. Truyền thống tương tác đẹp đẽ này ở những nơi khác giờ rất hiếm hoi!

Mỗi bài đăng báo Giác Ngộ, CTV Hoàng Dũng Hùng đều trân trọng lồng khung kính như một kỷ vật - Ảnh: H.D.H

Hành trang quý báu trong hiện kiếp này

22 năm tôi chịu ơn báo Giác Ngộ vì chính nơi này đã khai mở cho tôi con đường vào Phật pháp. Vào những năm đầu của thế kỷ, thông qua báo tôi được học hàm thụ miễn phí 2 khóa học. Khóa thứ nhất là Phật học cơ bản, khóa thứ hai nâng cao, cả hai khóa kéo dài đến 8 năm do các bậc trưởng thượng, chư tôn đức khai thị giảng giải cho học viên rất nghiêm túc. Đây là một phước báo to lớn, từ sau hai khóa học, tôi đã trở thành con người tốt hơn chính tôi ngày trước rất nhiều.

Năm 2019, tôi vinh dự được giải Ấn tượng cuộc thi viết “Bến bờ nhân gian” với câu chuyện người phụ nữ cụt một chân có cuộc đời khốn khó. Và thật hạnh phúc, từ tên tác phẩm dự thi của mình, tôi được HT.Thích Giác Toàn, Phó Tổng Biên tập Thường trực - nhà Thơ Trần Quê Hương viết tặng 4 câu thơ:

Người này có một chân… sao?
Ta-bà ngàn dặm, lao đao khốn nàn
À thì tâm thức thuyền nan

Bờ mê bờ giác đạo tràng tịnh không!

Hằng ngày tôi vẫn ngâm nga, suy ngẫm bài thơ này, lời thơ đã ứng nghiệm với tôi nhiều điều. Thật may mắn tôi đã nhận được lời giáo huấn quý báu của Hòa thượng cho cuộc đời mình.

CTV Hoàng Dũng Hùng và họa sĩ Nhuận Thường trong ngày sinh nhật báo

Tác giả lưu niệm với nhà báo - cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Giác Ngộ nhân kỷ niệm 44 năm ngày Giác Ngộ ra số đầu tiên (1976-2019)

Báo Giác Ngộ luôn lan tỏa lời Phật dạy và truyền bá những điều tốt đẹp của Chánh pháp, của con người. Tôi gặp, đọc và viết được cho báo Giác Ngộ - đó là phước báo lớn của đời mình. Tôi nghĩ, đọc báo Giác Ngộ chính là ta đang học Phật, noi theo các gương thiện lành mà báo phản ảnh chính là ta hành Pháp. Tôi vui mừng và liên tưởng hạnh duyên của mình với bài kệ mở đầu trong kinh: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp/ Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra số báo đầu tiên, kính chúc quý báo ngày càng phát triển toàn diện, luôn luôn là ngọn đuốc soi sáng và trường tồn với tình thương cho số đông… Là một người đồng hành với gần phân nửa chiều dài lịch sử ấy, đã âm thầm vui buồn cùng bao thăng trầm với quý báo, trong tôi ngời lên niềm hạnh phúc cùng tự hào… Từ rất lâu rồi, báo Giác Ngộ đã ở trong tim tôi và sẽ mãi ở đó. Tôi trân trọng lưu giữ từng từng kỷ niệm của mình với báo.

Những gì tôi được từ Giác Ngộ đó chính là gói hành trang quý báu hy hữu của tôi ở hiện kiếp này…

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Hoàng Dũng Hùng
(Hòa Hưng, P.12, Q.10, TP.HCM)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//bandoctoasoan/2020/11/23/12d4c2/