43 năm, người chiến sĩ già chờ nhà nước công nhận là người có công

43 năm sau chiến tranh, một người chiến sỹ già đã 'đội' hàng trăm lá đơn đi tìm lại quyền lợi để mong nhà nước công nhận là người có công.

Từ người lính cụ Hồ

Người chiến sỹ già ấy là ông Trương Anh Linh (SN 1941, trú tại thôn Nghĩa Lý, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

Gặp chúng tôi trong một sáng đầu đông, ông Linh vận bộ đồ chiến sỹ cụ Hồ và đôi dép cao su. Ông dường như vẫn còn rất minh mẫn so với tuổi gần 80 của mình. Ông Linh nói cuối đời ông chỉ còn 1 day dứt là chưa được công nhận là người có công với cách mạng, dù ông đã từng chiến đấu không tiếc máu xương để bảo vệ tổ quốc.

Ông Trương Anh Linh ra quân đã 43 năm nhưng chưa được hưởng chế độ bệnh binh

Tháng 2/1968, ông Linh nhập ngũ chiến đấu qua nhiều chiến trường, tháng 10/1975 ông được điều động về Trung đoàn 240 Cục Hậu cần 565 – Quân khu 5 và được đơn vị cho ra quân về chế độ phục viên, mất sức 61% được hưởng chế độ bệnh binh theo Quyết định số 32 ngày 28/10/1975 của Bộ Quốc phòng.

Vừa nói ông vừa đọc cho tôi nghe Quyết định số 32: “Ông Linh xuất ngũ về địa phương mà chưa được hưởng chế độ bệnh binh”.

Lật giở từng trang giấy, ông Linh tiếp tục đưa tôi xem Quyết định 402 năm 1976 của Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Bảo. Quyết định ghi rõ: “Chuyển quân nhân Trương Anh Linh về xã Hiệp Hòa được hưởng quyền lợi phục viên và các quyền khác tại địa phương”.

Tại văn bản của Cục chính sách Tổng cục chính trị năm 2003 gửi Ban chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng nêu: “Năm 1975 bản thân ông sức khỏe yếu, đơn vị cho giám định giảm 61%, cho ra quân và giới thiệu về địa phương để hưởng chế độ mất sức (nay là chế độ bệnh binh), đến nay chưa được hưởng chế độ chính sách”.

Đồng thời, trong cuốn lý lịch quân nhân, thủ trưởng của ông Linh là Thiếu tá Nguyễn Ta có ghi rõ: “Đồng chí Trương Anh Linh là quân nhân phục viên, cấp bậc hạ sỹ. A phó đơn vị ở Tiểu đoàn 8, E240. Lúc ra quân sức khỏe mất 61%”.

Khi gặp khó khăn trong quá trình xin chế độ bệnh binh, ông Trương Anh Linh đã phải lặn lội vào tận Đà Nẵng tìm gặp thủ trưởng cũ là Thiếu tá Nguyễn Ta để xin chứng thực.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm “đội đơn” đi tìm lại danh dự thì đến nay ông Linh vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình mà chưa biết đến khi nào kết thúc.

Đến những khó khăn trong quá trình đi tìm chế độ

Khi gặp khó khăn trong quá trình xin lại chế độ, ông Linh đã phải lặn lội từ Hải Phòng vào Đà Nẵng tìm gặp thủ trưởng cũ là Thiếu tá Nguyễn Ta để xin chứng thực.

Thời điểm đó là năm 2003, gia đình ông Linh vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã, hai con ông còn đang đi học, khó khăn chất chồng khó khăn nhưng ông vẫn lên đường bởi đó không đơn giản chỉ là việc đòi quyền lợi đơn thuần mà đó là sự chờ đợi nhà nước công nhận xứng đáng công sức, máu xương của bản thân ông Linh cũng như những người đồng đội cũ cùng ông tham gia kháng chiến năm nào.

Ông Linh xúc động nhớ lại, khi trình bày sự việc cho thủ trưởng cũ nghe, thiếu tá Nguyễn Ta còn thốt lên "Lạ quá, ra quân đã mấy chục năm mà đến giờ anh vẫn còn phải đi xin chế độ bệnh binh sao?" – ông Linh kể.

Kể từ thời điểm ông Linh bắt đầu làm đơn “kêu cứu” cơ quan này lại luân chuyển việc trả lời cho cơ quan khác với lý do không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền.

Khi đưa cho tôi xem tập giấy cao ngất về việc trả lời của các cấp chính quyền, ông Linh bỗng dưng dưng nước mắt, nguyện vọng đến cuối đời của ông không gì khác là được mong nhà nước công nhận phần công sức nhỏ bé của mình.

Tiếp tục cho tôi xem văn bản trả lời gần nhất của Thanh tra Quốc phòng Bộ tư lệnh Quân khu 3 ngày 8/1/2018, văn bản nêu chi tiết: “Đơn của ông Linh từ năm 2003 đến trước ngày 9/4/2013 đã được các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn và trả lời theo đúng quy định của pháp luật. Từ thời điểm 9/4/2013 đến nay, Chính phủ có ban hành Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, tại điểm a Khoản 1 Điều 33 Nghị định này quy định về điều kiện để xác nhận bệnh binh đó là chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia”.

Cuốn lý lịch quân nhân mà ông Linh giữ gìn suốt bao năm thể hiện niềm tự hào dân tộc luôn nằm trong tim ông

Thế nhưng, sự việc vẫn chỉ dừng lại ở đó mà bản thân ông Linh vẫn hàng ngày hàng giờ mòn mỏi mong chờ được nhà nước thụ lý giải quyết chế độ cho mình.

Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ xã Hiệp Hòa nói: “Địa phương biết ông ấy rất khổ, bản thân ông ấy sa sút sức khỏe, kinh tế ông ấy nghèo đi vì đi đòi chế độ, thậm chí ông ấy còn bán cả bò để lấy tiền đi lại. Ông ấy còn lên hẳn Văn phòng Chính phủ mà có phải cứ lên là gặp được ngay đâu, chờ đợi hàng tháng trời mới gặp được người ta ấy chứ”.

Trao đổi với PV báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) cũng đồng quan điểm với vị cán bộ xã, đồng thời cho biết thêm: “Thời điểm ông Linh về năm 1975, lúc bấy giờ xin về phục viên là trong thời gian 2 năm thì ông ấy phải đi giám định sức khỏe đủ điều kiện thì được nhưng đến bây giờ thời gian đã quá lâu rồi trừ khi chính sách thay đổi, điều chỉnh cái mới chứ bây giờ theo thông tư cũ thì chịu không làm được”.

Chia tay ông Linh mà trước mắt chúng tôi là một người lính già với bộ râu tóc có lẽ hàng năm nay không cắt tỉa, ông Linh tâm sự, việc một người lính già như ông ngày ngày “đội” đơn đi tìm lại sự công bằng không phải chỉ để nhận vài trăm nghìn hàng tháng mà đó còn là danh dự, là niềm tự hào của người lính cụ Hồ năm xưa đã không tiếc máu xương chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Ngọc Phượng - Phạm Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/43-nam-nguoi-chien-si-gia-cho-nha-nuoc-cong-nhan-la-nguoi-co-cong-post24655.html