42 đại biểu Nghệ An tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II có 42 đại biểu, do đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

Sáng 4/12, tại TP. Hà Nội, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II đã chính thức khai mạc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, là biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội lần này có 42 đại biểu, do đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Trong đoàn có 22 đại biểu dân tộc Thái, 9 đại biểu dân tộc Thổ, 4 đại biểu dân tộc Mông, 4 đại biểu dân tộc Khơ mú, 1 đại biểu dân tộc Ơ Đu, 1 đại biểu tộc người Đan Lai.

Các đại biểu tham dự Đại hội là những điển hình có nhiều thành tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu DTTS các cấp; có nhiều thành tích đóng góp trong công tác dân tộc và có nhiều thành tích trong công tác vận động quần chúng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh kỷ niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Mạnh Hùng

BIỂU TƯỢNG SINH ĐỘNG VỀ SỰ ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC

Diễn ra sau 10 năm kể từ lần thứ nhất, Đại hội lần này có chủ đề "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước" với 1.593 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Đại hội nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2020-2030.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Mạnh Hùng

Đại hội là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ủy ban Dân tộc cho biết, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các DTTS sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc đa số ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở miền núi, biên giới vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.

Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là “Con Rồng cháu Tiên” chung sống hòa thuận; một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tặng quà cho đại diện thanh niên dân tộc thiểu số tại Đại hội. Ảnh: Mạnh Hùng

Dự thảo báo cáo của Đại hội đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay).

Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Đến năm 2030, quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

CỘI NGUỒN SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình Mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 130.000 tỷ đồng nhằm đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước trong kháng chiến cũng như trong hòa bình.

"Có thể khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta. Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương. Chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Rồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Mạnh Hùng

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được" - Thủ tướng phát biểu nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Mạnh Hùng

Thủ tướng kêu gọi, hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc...), đồng thời, cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thủ tướng cũng đề nghị phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Cơ đồ đất nước, vinh quang Tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mạnh Hùng - Phạm Bằng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/42-dai-bieu-nghe-an-tham-du-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-toan-quoc-lan-thu-ii-278476.html