40 tỷ USD chống cắt điện luân phiên: Giá rẻ ai đầu tư?

Đến năm 2020, Việt Nam cần tới 40 tỷ USD cho các dự án điện nếu không muốn lâm cảnh “cắt điện luân phiên”. Thu hút lượng vốn khổng lồ này là điều không dễ khi mà các nhà đầu tư vẫn chỉ muốn giá điện tăng lên.

Căng mình tìm nguồn điện

Theo tính toán của Chính phủ, hạ tầng cung cấp điện từ nay đến 2020 cần một nguồn lực rất lớn. Cụ thể tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 lên tới 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Trong đó 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện.

Nhiệt điện đang được đẩy mạnh đầu tư. Ảnh: Nguyên An

Lượng vốn khổng lồ này dự kiến được huy động từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (gần 5 tỷ USD), vốn vay ODA (gần 10 tỷ USD), còn lại là vốn chủ đầu tư và vốn vay thương mại (khoảng 25 tỷ USD). Vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư cấp điện nông thôn.

Nếu không được đầu tư, thì việc thiếu điện sẽ là nguy cơ hiện hữu. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 5 năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh. Khả năng trong các năm 2018-2019, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở các tỉnh phía Nam do nhu cầu điện tăng nhanh nhưng các nguồn điện hiện có chưa kịp đáp ứng.

Vậy nguồn điện nào sẽ là “cứu cánh” cho vấn đề cung ứng điện ở Việt Nam? TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng cho rằng: Trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam, nhiệt điện, thủy điện chiếm phần lớn. Thủy điện đã khai thác tối đa, còn lại nhiệt điện than, dầu, khí. 3 nguồn nhiên liệu hóa thạch này trong nước thì hữu hạn, song trên thế giới vẫn có cơ hội để chúng ta nhập khẩu về.

“Tất nhiên dầu thì đắt, nhưng nhập than hoàn toàn có khả năng, không có gì đáng ngại. Vấn đề là sử dụng có hiệu quả. Nếu Chính phủ hoãn triển khai hay dừng dự án điện hạt nhân thì cũng không có vấn đề gì cả, chỉ cần đẩy nhiệt điện than, đặc biệt là nhiệt điện chạy khí hóa lỏng lên”, ông Sơn đề xuất.

Nhưng khi liệt kê các dự án điện này trong tọa đàm của báo Dân trí mới đây, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tỏ rõ sự băn khoăn: Nhìn vào nguồn năng lượng nội địa, than khí thì gần như đã ở mức bão hòa. Than nội địa không đủ phục vụ nhu cầu các dự án nhiệt điện, giờ phải nhập than để phát điện. Trong khi đó, nhiệt điện chạy khí cũng không có nguồn dồi dào khi mỏ khí ở Nam Trung Sơn bắt đầu vào thời kì suy giảm. Nếu có làm thì phải tính tới nhập khí, trừ khi mỏ Cá voi xanh đi vào khai thác.

Chưa kể, theo GS Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, phát bằng khí đỡ ô nhiễm nhưng giá thành cao, nền kinh tế và người dân khó chịu nổi. Còn phát bằng than thì gây ô nhiễm rất lớn, chưa kể nguồn than không đủ. Điện gió lại chỉ phù hợp bổ sung ở những vùng có gió và không có truyền tải điện.

Trăm dâu đổ đầu giá điện

Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: Trước đây, Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than. Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém và đắt đỏ. Điều này có liên quan tới biểu giá điện.

Giá điện luôn gây ra những tranh luận trái chiều.

Đánh giá biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư, ông Franz Genner nói: Chắc chắn khi so với các nước trong khu vực và thế giới, giá điện Việt Nam khá là thấp, kể cả so với nước cùng trình độ phát triển trong khu vực.

“Nếu quan tâm tới biểu giá điện đầy đủ, tới năm 2030 phải tăng giá điện thêm 40%. Nếu không làm điều đó thì cần sự trợ giúp rất nhiều từ nhà tài trợ, DN. Nếu không sẽ không đủ tài chính cho các dự án điện”, ông Franz Genner nhận định.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nếu giá điện không được cải thiện thì không ai đầu tư cả. Mỗi năm cần 6,8 tỷ USD đầu tư, giá thấp thì khó khiến nhà đầu tư tham gia cuộc chơi này.

“Để bền vững và lâu dài, việc tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người khó khăn nếu chúng ta kết hợp việc tính giá điện bậc thang và những hỗ trợ từ Chính phủ. Trên thực tế tác động của việc tăng giá điện không nhiều như chúng ta cảm thấy”, chuyên gia WB chia sẻ.

Không chỉ nhìn ở phía cung, ông Trần Đình Thiên than phiền: Thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do cung cấp điện. Chúng ta duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều. Cứ làm xi măng, làm thép, đủ các loại DN sử dụng năng lượng tốn kém. Tư duy đó phải thay đổi và phải là trọng tâm để thay đổi mô hình tăng trưởng nếu không thì không trời đất nào chịu được.

Cho rằng đất nước phải trả giá cho nền kinh tế dựa trên công nghệ thấp, ông Thiên nói: Giá cao một chút buộc người sản xuất, người tiêu dùng phải tiết kiệm. Giá cao khiến họ phải thay đổi công nghệ và cũng khiến nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào ngành điện.

Đồng quan điểm này, ông Franz Genner cho rằng, tiêu thụ năng lượng là giải pháp rất quan trọng và ít tốn kém nhất để chúng ta có thể tránh được những đợt tăng giá điện mới. Theo như ước tính Việt Nam có thể tiết kiệm 10KW phát điện nếu đầu tư công nghệ vào những DN sử dụng điện.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/40-ty-usd-chong-cat-dien-luan-phien-gia-re-ai-dau-tu-339883.html