40 triệu người tử vong hằng năm vì bệnh không lây nhiễm

NDĐT – Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm. Tại Việt Nam, chỉ có 43,1% số người mắc bệnh tăng huyết áp được bác sĩ chẩn đoán. Tỷ lệ được chẩn đoán ở bệnh đái tháo đường là chỉ 31% và rất nhiều người chưa được sàng lọc bệnh ung thư. Các bệnh không lây nhiễm chưa được kiểm soát tốt là nguyên nhân gây ra những gánh nặng bệnh tật.

Ngày 21-11, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ sáu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm với sự tham gia của 600 chuyên gia hàng đầu của 47 hội chuyên khoa và 55 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị khoa học thường niên tổ chức năm nay với chủ đề Phòng chống các bệnh không lây nhiễm với 35 báo cáo khoa học của năm chuyên ngành gồm các chuyên ngành tim mạch, ung Thư, hô hấp, tiểu đường và dinh dưỡng với các báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu.

Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm, (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam, đó cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặc dù ngành y tế đã có nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe toàn dân như tăng được tuổi thọ người dân; giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng hơn… nhưng các bệnh không lây nhiễm đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì công tác phòng bệnh chưa thật sự được quan tâm một cách thỏa đáng.

Hiện nay cứ 10 người tử vong thì có bảy người tử vong do bệnh không lây nhiễm (các bệnh tiểu đường, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, hen xuyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính…). 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, phòng chống các bệnh không lây nhiễm phải là bước đi tiên phong nhằm phát hiện sớm nguy cơ để có phác đồ điều trị, theo dõi, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Do đó, công tác phòng chống phải gắn với y tế cơ sở trong hai nhiệm vụ gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẩn đoán phát hiện sớm.

Theo GS, TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, có 9,4 triệu người chết do tăng huyết áp. Tỷ lệ này đang gia tăng rõ rệt tại Việt Nam. Thực tế, hiện nay số người được tầm soát về tim mạch thấp, số người được điều trị còn ít và số người được điều trị đúng cách cũng không nhiều.

Tính đến năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm 25,1% số người lớn. Như vậy, cứ bốn người lớn có một người bị tăng huyết áp. Việt Nam hiện có 14 triệu người bị tăng huyết áp. Nếu người bệnh mắc bệnh lý tăng huyết áp lại hút thuốc lá, tăng cholesterol thì yếu tố tim mạch tăng 16 lần.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các giải pháp phòng nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm. Các thông điệp chính từ hội nghị khoa học quan trọng này sẽ được tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới bao gồm các khuyến nghị về dinh dưỡng, lối sống. Bên cạnh đó việc cập nhật các phác đồ điều trị cũng được đưa ra trong hội nghị và sẽ tiếp tục được tập huấn và đào tạo cho hệ thống y tế bởi Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam.

HOÀNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/34775502-40-trieu-nguoi-tu-vong-hang-nam-vi-benh-khong-lay-nhiem.html