'40 thói quen xấu cần vứt bỏ'

Luôn cho rằng mình đúng, khoe công trạng, viện lý do hay nói xấu sau lưng là những thói quen xấu cần được loại bỏ để hoàn thiện bản thân.

Nhắc tới Tokio Godo hẳn người đọc nghĩ ngay tới những tác phẩm nổi tiếng của ông viết gắn liền với chủ đề kinh doanh và triết lý cuộc sống như Cách tiêu tiền thông minh, Người kiếm trăm triệu yên một năm, người chỉ dừng lại ở ba triệu yên một năm, Xây dựng bộ não phong phú: Bí quyết tăng thu nhập hàng năm gấp 30 lần, hay Đừng cười để vừa lòng người ở đâu.

Là chuyên gia tư vấn quản lý chiến lược toàn cầu, tổ chức các hội thảo và diễn thuyết về quản lý tài sản và kỹ năng kinh doanh, Tokio Godo đã sớm đúc kết cho mình những kiến thức quý báu về nếp sống và cách làm giàu.

40 thói quen xấu cần vứt bỏ là cuốn sách như vậy. Tác phẩm viết về những thói quen mà phải đến già nửa trong số chúng ta đều đang sở hữu. Tác giả phân tích tính tiêu cực của vấn đề và sau đó đưa chúng vào danh sách “đen” cần vứt bỏ. Theo Tokio Godo, điều này sẽ giúp hành trình thay đổi bản thân trở nên đơn giản và bền vững.

 Sách 40 thói quen xấu cẩn vứt bỏ. Ảnh: Tân Việt Books.

Sách 40 thói quen xấu cẩn vứt bỏ. Ảnh: Tân Việt Books.

Hành trình đi tìm thói quen xấu

Đọc cuốn sách, độc giả dễ dàng nhận thấy những thói quen tưởng chừng rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đều có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành bại trong cuộc đời mỗi người.

Tác giả bóc tách nguyên nhân sâu xa của vấn đề, chạm tới bản chất của sự việc để rồi sau đó phân loại 40 thói quen xấu ấy thành 6 phần riêng biệt: Ngôn ngữ, mối quan hệ con người, vật chất và tiền bạc, kỹ năng làm việc, cách làm việc, và trái tim yếu đuối.

Thoạt nhìn, độc giả có thể thắc mắc tại sao “Kỹ năng làm việc” và “Cách làm việc” được chia tách thành hai mục khác nhau đứng ngay gần kề trong khi chúng cùng thuộc một phạm trù?

Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán công chứng, khoa Kinh tế, Đại học Chuo của Mỹ, vị doanh nhân Nhật Bản này đã xây dựng cho mình bộ óc với sự am hiểu về môi trường công sở để sắp xếp các thói quen vào danh mục không thể chối bỏ.

Theo ông, “kỹ năng làm việc” có thể bao gồm những thói xấu như việc ngộ nhận quản lý thời gian, suy nghĩ “khách hàng là thượng đế”, hay tư tưởng không bao giờ làm việc tăng ca.

Mặt khác, cách làm việc của mỗi người là tấm gương phản chiếu những điểm chưa tốt: Việc mỗi nhân viên tự đánh giá dựa vào tiêu chuẩn công ty, hay đơn giản là tư tưởng về hưu sớm.

Là nhà kinh doanh, tác giả đặc biệt chú trọng lĩnh vực của mình. Cũng vì lẽ đó, ông dành riêng cho cuốn sách này một mục riêng mang tên “Vật chất và tiền bạc”, ghi nhận trong đó những thói quen cần vứt bỏ liên quan việc tiêu tiền không hợp lý, cũng như ý định tiết kiệm tiền.

Một điểm chung trong cuốn sách của ông mà bạn đọc dễ dàng nhận thấy nếu chỉ đọc vài trang đầu đó chính là sự mâu thuẫn. Tại sao tác giả khuyên người đọc cần vứt bỏ thói quen tiêu tiền không hợp lý rồi lại thẳng thắn cho rằng tiết kiệm cũng là một ý định sai lầm?

Trả lời cho sự mâu thuẫn này, ông lý giải một cách khéo léo qua cách phân tích vấn đề. Nếu tiêu tiền không hợp lý, chúng ta mãi mãi không tiết kiệm được tiền bạc. Trái lại, nếu có ý định tiết kiệm, khả năng cân bằng tài chính của bạn sẽ eo hẹp.

Bên cạnh đó, tiết kiệm không giúp bạn có được một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Vậy có nên tiêu tiền không hợp lý? Có nên bo bo cả đời tiết kiệm?

Lý do vứt bỏ thói quen xấu

Tác giả thuyết phục người đọc bằng loạt luận cứ và luận chứng để giải thích cho vấn đề, sau đó, hướng dẫn chúng ta thay đổi nếp nghĩ vốn đã ăn sâu vào tư tưởng để trở nên tốt đẹp hơn.

Tác giả Tokio Godo. Ảnh: FBNV.

Chẳng hạn như cho và nhận từ lâu đã trở thành quan niệm sống của nhiều người. Con người ta luôn tâm niệm một khi cho đi là phải được nhận lại, nhưng vô tình không biết rằng đó cũng chính là một tư tưởng xấu cần vứt bỏ.

Theo Tokio Godo, thói quen này nếu không bỏ được thì điều mà nhận lại chỉ vỏn vẹn nằm trong hai từ “cáu giận”, “thất vọng”.

Mặt khác, ông mạnh dạn chỉ ra, nếu vứt bỏ cách nghĩ đó thì các mối quan hệ trong xã hội sẽ giảm thiểu căng thẳng.

Tương tự đối với các thói quen tiêu cực khác, tác giả bắt đầu bằng việc lý giải nguyên nhân của vấn đề. Phần lớn chúng ta có cảm giác bức bối nếu đã cho đi mà chưa được nhận lại. Lý do nằm ở việc ta luôn “mong chờ sự đáp lại”.

Cuốn sách đã chỉ ra những tiểu tiết đời thường mà độc giả sẽ thấy được chính bản thân mình trong đó: “Mình chào họ thì họ cũng phải chào mình chứ nhỉ?”, “Mình đã giúp đỡ người ấy bao nhiêu cơ mà”...

Để chốt lại cho bản tổng kết “thói quen xấu cần vứt bỏ”, tác giả sử dụng những lập luận tuy ngắn gọn nhưng khiến người đọc thấm thía bài học. Chúng ta không chỉ cho đi vì mong mỏi ngày mai sẽ được đáp lại, mà chỉ đơn giản là vì mình thấy vui nên sẵn lòng.

Với lối viết súc tích, cách phân tích mạch lạc, Tokio Godo mang đến những bài học bổ ích và thiết thực. Gấp lại cuốn sách, chắc hẳn mỗi người sẽ tự “note” riêng cho mình một danh sách những thói quen xấu của bản thân để tập vứt bỏ hàng ngay.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/40-thoi-quen-xau-can-vut-bo-post1198970.html